Để công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn đi vào thực tiễn, tỉnh Lào Cai và Khánh Hòa đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; thực hiện công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản số 1296/UBND-TNMT yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện quyết liệt khắc phục các tồn tại về bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 11/NQ-TT.HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn. Bố trí quỹ đất cho các điểm tập kết rác và nghiên cứu đầu tư hoặc thu hút các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt, sử dụng các công nghệ hiện đại, hạn chế việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp đáp ứng mục tiêu, lộ trình về quản lý chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Rà soát, nghiên cứu đề xuất đầu tư lò đốt rác để xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các điểm, cụm xã. Rà soát, đánh giá đúng thực trạng hiệu quả công tác đầu tư, quản lý, quy trình vận hành đối với những bãi chôn lấp rác, lò đốt rác tập trung tại địa phương để kịp thời xử lý những vướng mắc, bất cập. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quản lý chất thải rắn, chất thải rắn xây dựng trên địa bàn.
Tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng cao để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, xây dựng kế hoạch và lộ trình từ hạn chế đến chấm dứt tình trạng xả rác bừa bãi, chăn nuôi nhỏ lẻ không hợp vệ sinh trên địa bàn.
Thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động xả thải, vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trong công tác thu tiền dịch vụ từ các tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ số phải thu theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu đề xuất, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy hoạch, cơ chế chính sách, kinh phí hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải… Trong đó, quan tâm ưu tiên bố trí quỹ đất cho các huyện, thị xã, thành phố quy hoạch các bãi xử lý chất thải. Việc điều chỉnh Quy hoạch cần phải tính đến nguồn lực, mang tính lâu dài, phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hình ảnh minh họa
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Theo quy định, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt là bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phân loại thành 3 nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni-lông, thủy tinh); chất thải sản phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ chủ nguồn thải).
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi…
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, sau khi thực hiện phân loại, khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.
Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi.
Quy định của UBND tỉnh khuyến khích xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động đầu tư, tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được hưởng các chế độ ưu đãi về đầu tư và các ưu đãi khác theo quy định hiện hành. UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; ban hành theo thẩm quyền quy định, chương trình, kế hoạch về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hàng năm xây dựng và triển khai kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn; lựa chọn danh sách các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định này trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…
Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường
Xem thêm:
1. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025
2. Quảng Nam công bố kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt!