Tăng hiệu suất năng lượng giúp giảm phát thải trong ngành thời trang

Thứ 4, 19/07/2023, 08:49 GMT+7

Ngành thời trang phát thải 10% lượng khí carbon toàn cầu và gây ô nhiễm nghiêm trọng thứ hai trên thế giới. Vì vậy, trong xã hội ngày càng quan tâm đến vấn đề khí hậu, ngành công nghiệp này đang dần chuyển mình sang hướng sản xuất bền vững để thu hút khách hàng. 

Quy mô của ngành thời trang và số lượng nguyên liệu được sản xuất để làm quần áo mỗi năm đã khiến cho ngành này có sức ảnh hưởng lớn đối với môi trường sống. Các nhà máy may mặc là các đơn vị tiêu thụ năng lượng lớn và vì thế cũng phát ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ước tính tới 80% năng lượng dùng trong ngành thời trang là cho việc sản xuất vải. Điện cần thiết để chạy máy như máy giặt và bơm không khí tại các nhà máy dệt may. Người ta cũng cần lượng lớn nhiệt cho việc giặt, làm khô và nhuộm vải.

Theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 là sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với những mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn xã hội, trong đó có khu vực tư nhân. Đối với ngành thời trang, việc các nhãn hàng cùng hợp tác các nhà máy sản xuất trong chuỗi cung ứng nhằm đẩy lùi phát thải khí nhà kính đang ngày càng trở nên quan trọng và góp phần không nhỏ để thực hiện các cam kết tại COP26.

Thời gian qua, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và các công ty tham gia thực hiện các hoạt động liên quan đến khí hậu trong ngành công nghiệp thời trang của Liên hợp quốc đã phát triển Chương trình đào tạo về hành động khí hậu cho ngành thời trang (CAT) vào năm 2020. CAT được xây dựng trên nền trực tuyến nhằm cung cấp kiến thức nền tảng về kiểm kê và thiết lập mục tiêu khí nhà kính trong các doanh nghiệp dệt may. Trong giai đoạn 2022-2023, CAT được nâng cấp thành khóa đào tạo chuyên sâu tập trung vào việc triển khai các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả để tăng cường giảm khí nhà kính trong chuỗi cung ứng thời trang.

Giảm phát thải trong ngành thời trang

Hình ảnh minh họa

Theo thông tin từ GIZ, Chương trình đào tạo về hành động khí hậu cho ngành thời trang là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Liên kết Toàn cầu (IGS), một dự án hỗ trợ khối tư nhân đẩy mạnh thực thi trách nhiệm tra soát về xã hội và môi trường. IGS được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, theo sự ủy thác từ Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức (BMZ). Chương trình có sự tham gia giới thiệu và kết nối của 5 thương hiệu thời trang nổi tiếng Lululemon, Fast Retailing, On-running, H&M, Fenix Outdoor, 35 doanh nghiệp dệt may trong nước, đồng thời là các nhà cung cấp của các nhãn hàng nói trên, đã tham gia cải thiện kiến thức và kỹ năng.

Sau 9 tháng tham gia khóa đào tạo trực tuyến về sử dụng năng lượng hiệu quả, kiểm kê và thiết lập mục tiêu khí nhà kính, các doanh nghiệp đã cũng đã được đội ngũ chuyên gia góp ý trực tiếp cho bản kế hoạch hành động khí hậu của doanh nghiệp để tiến tới triển khai trong thực tiễn. Những người tham gia khóa học đã hiểu sâu hơn về hệ thống năng lượng và biết cách xác định nguồn phát thải khí nhà kính và sử dụng các hệ số tính toán, xác định các nguồn năng lượng thất thoát và xây dựng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và những kinh nghiệm thực tiễn từ kiểm toán năng lượng tại các nhà máy sản xuất.

Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc