Thanh Hóa: Đồng xử lý rác thải - Xu hướng tất yếu trong sản xuất xi măng!

Thứ 4, 08/11/2023, 01:13 GMT+7

Sản xuất xi măng là một ngành công nghiệp tiêu hao khá nhiều chất đốt phục vụ cho quá trình nung luyện clinker. Tuy nhiên, do nguồn nhiên liệu đang dần cạn kiệt, nên nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang tìm kiếm nguồn năng lượng khác để thay thế, trong đó có việc tận thu nhiệt từ quá trình xử lý rác thải. Việc tận dụng nguồn nhiên liệu sản xuất từ chất thải rắn vừa góp phần giải quyết vấn đề bức xúc về nhiên liệu cho các nhà máy xi măng, cũng như góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thanh Hóa: Đồng xử lý rác thải - Xu hướng tất yếu trong sản xuất xi măng!

Ảnh minh họa

Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, năm 2012, Công ty Xi măng Nghi Sơn đã ban hành quy định đồng xử lý các loại chất thải. Theo đó, yêu cầu tất cả chất thải ở mỗi quá trình, công đoạn, bộ phận sản xuất đều phải được phân loại từ đầu nguồn bằng các thùng chứa được phân biệt bằng các màu khác nhau, có kèm bảng chỉ dẫn phân loại rõ ràng, được thu gom, lưu kho bãi theo quy định và tái sử dụng lại, làm nguyên liệu hoặc đồng xử lý bằng phương pháp thiêu đốt trong lò nung clinker với thời gian thiêu đốt dài ở nhiệt độ khoảng 2.000°C. Các phế liệu phát sinh trong quá trình sản xuất và sinh hoạt của khu nhà ở cán bộ, công nhân, viên chức như vật liệu chịu lửa thải bỏ, cola của lò nung, băng tải cao su hỏng, giẻ dính dầu mỡ, dầu mỡ thải, túi lọc bụi, đất đá phế liệu từ các công trình xây dựng... đã được xử lý triệt để 100%.

Kết quả, năm 2021, Công ty Xi măng Nghi Sơn đã đồng xử lý chất thải rắn làm nguyên liệu đầu vào xấp xỉ 13.900 tấn; đốt trong lò được gần 300 tấn (chất thải sinh hoạt); đồng xử lý chất thải thay thế nguyên nhiêu liệu được gần 4.900 tấn (trong đó có 340 tấn chất thải nguy hại các loại); sử dụng nguyên liệu thay thế dạng tro bay của các nhà máy nhiệt điện được 235.000 tấn; sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao có nguồn gốc tự nhiên đạt khoảng 30 tấn. Hoạt động này giúp Công ty Xi măng Nghi Sơn tiết kiệm được hơn 60 tỷ đồng. Với nhưng ưu điểm vượt trội khi xử lý chất thải bằng phương pháp đồng xử lý trong lò nung clinker so với các lò đốt và xử lý chất thải hiện nay như: thiêu đốt ở nhiệt độ cao, thời gian xử lý dài (khoảng 30 phút), không phát sinh tro xỉ thứ cấp cần xử lý, hiệu suất thu hồi nhiệt từ chất thải rất cao, công suất xử lý lớn hàng trăm tấn/ngày; khí thải đầu ra được giám sát liên tục 24/7 đảm bảo tiêu chuẩn phát thải... Công ty Xi măng Nghi Sơn được Nhà nước cho phép đồng xử lý chất thải khoảng 90.000 tấn chất thải nguy hại/năm; chất thải thông thường không giới hạn (dự tính có thể xử lý được đến 1 triệu tấn/năm chất thải thông thường).

Ông Đào Chí Thắng, Phó Trưởng bộ phận kỹ thuật sản xuất, Phòng Sản xuất (Công ty Xi măng Nghi Sơn), cho biết, lợi thế nổi bật của công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung clinker là xử lý triệt để được rất nhiều loại chất thải với công suất xử lý cao, hiệu suất cao trong thu hồi nhiệt, thu hồi các thành phần có trong chất thải làm nguyên nhiên liệu cho sản xuất xi măng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung nhiên liệu hóa thạch căng thẳng, áp lực về biến đổi khí hậu toàn cầu và bảo vệ môi trường tăng cao thì hoạt động đồng xử lý chất thải tại các nhà máy xi măng là một giải pháp cực kỳ hữu hiệu về khía cạnh kinh tế - xã hội và môi trường. Tuy nhiên, để thực hiện được hiệu quả thì rất cần sự hỗ trợ, đồng tình của các cấp chính quyền để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thể chế để Công ty Xi măng Nghi Sơn nói riêng và các công ty xi măng khác nói chung vững tin đầu tư tích hợp thiết bị, đổi mới công nghệ đồng xử lý tiên tiến nhất, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch và phát triển sản xuất bền vững, phục vụ nhu cầu và lợi ích của khách hàng và xã hội.

Thanh Hóa là tỉnh giàu tài nguyên đá vôi, đất sét và lại có cảng nước sâu Nghi Sơn nên sản xuất xi măng được xem là một thế mạnh. Hiện toàn tỉnh có 5 nhà máy xi măng với tổng công suất đăng ký đầu tư lên đến 36,5 triệu tấn/năm; trong đó, có 4 nhà máy với 9 dây chuyền sản xuất đã đi vào hoạt động, gồm: Xi măng Vicem Bỉm Sơn (2 dây chuyền, công suất 3,8 triệu tấn/năm); Xi măng Nghi Sơn (2 dây chuyền, công suất 4,3 triệu tấn/năm); Xi măng Công Thanh (2 dây chuyền, công suất 4,75 triệu tấn/năm) và Xi măng Long Sơn (3 dây chuyền, công suất 6,9 triệu tấn/năm); dự kiến cuối năm 2022, sẽ tiếp tục đưa vào vận hành dây chuyền 4 - Xi măng Long Sơn và dây chuyền 1 - Xi măng Đại Dương. Tổng sản lượng sản xuất xi măng, clinker toàn tỉnh năm 2021 đạt 27,2 triệu tấn; quý I năm 2022 sản lượng xi măng đạt 4,46 triệu tấn, tăng 8,7%; sản lượng clinker đạt 2,9 triệu tấn, tăng 30,6% so với cùng kỳ. Xi măng tiếp tục là một trong những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh với công suất và sản lượng đứng đầu cả nước, góp phần quan trọng trong tăng trưởng sản xuất công nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Công ty Xi măng Nghi Sơn là đơn vị tham gia đồng xử lý chất thải và chất thải nguy hại.

Theo số liệu thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh ước tính khoảng 2.962 tấn/ngày đêm; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tính đến hết năm 2021 đạt 89%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng biện pháp chôn lấp chiếm đến 69,4%, đốt ở các lò nhỏ đạt 27,27%, tái chế được 3,33%... Việc chôn lấp rác thải dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Trước thực trạng trên, sử dụng chất thải làm nhiên liệu thay thế trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang được xem là giải pháp mũi nhọn, bền vững. Trong đó, phương pháp đồng xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng là giải pháp có nhiều ưu thế do tận dụng được các lò đốt ở nhiệt độ cao trong dây chuyền sản xuất, cho phép đốt được hầu hết các loại chất thải khác nhau, tỷ lệ thu hồi nhiệt cao và không đòi hỏi cao về việc phân loại thành phần rác, không để lại tro xỉ, an toàn với môi trường...

Ông Đỗ Văn Thuần, Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học - Hóa học cho biết, việc sử dụng chất thải rắn làm nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất xi măng sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Lò nung xi măng sẽ tận dụng được nhiệt năng từ việc đốt cháy các chất thải thay thế, tiết kiệm nhiên liệu cho quá trình đốt. Các chất thải sẽ là thành phần phụ gia cho xi măng, trong quá trình thiêu đốt, các chất này sẽ tương tác hoặc kết hợp với nguyên liệu xi măng và không ảnh hưởng đến thành phần xi măng. Chính vì vậy, việc tận dụng nguồn nhiên liệu sản xuất từ rác thải sẽ thay thế một phần nhiên liệu truyền thống trong sản xuất xi măng, giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay về nhiên liệu cho các nhà máy xi măng, tiết kiệm được chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm và tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Còn đối với môi trường, dự án sẽ tìm ra lời giải cho bài toán chất thải rắn hiện nay, giải quyết phần lớn rác thải phát sinh hàng ngày, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng đến môi trường xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững.

Tại hội thảo khoa học “Đồng xử lý rác thải trong sản xuất xi măng” do Hội các ngành Sinh học - Hóa học Thanh Hóa tổ chức vào ngày 28/7/2022, nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm cho phép xây dựng Đề án tổng thể “Phân loại, đồng xử lý rác thải trong sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” và Dự án thử nghiệm “Phân loại, đồng xử lý rác thải trong sản xuất xi măng tại một huyện trong tỉnh”. Và đề xuất, thống nhất chọn một dây chuyền sản xuất xi măng tại khu vực thị xã Bỉm Sơn, một dây chuyển sản xuất xi măng khu vực thị xã Nghi Sơn, đồng thời chọn một số địa phương lân cận tại hai dây chuyển sản xuất xi măng này thu gom vận chuyển đủ rác thải để đốt thử. Lập lại quy hoạch xử lý rác thải tỉnh Thanh Hóa theo hướng lập các khu vực thu gom phân loại rác tại các địa phương tạo nguồn rác cho đốt rác trong lò nung clinker xi măng. Từ xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp kèm theo lò đốt rác nhỏ chuyển sang đồng xử lý rác trong sản xuất xi măng có thể đạt kết quả tích cực và bền vững.

Nguồn: Ximang.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc