Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều phong trào và chương trình phát động phân loại rác thải để tái chế. Tuy nhiên chương trình phân loại tại các địa phương vẫn chưa được chính thức hóa. Hệ thống các thùng rác hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn chỉ là một loại thùng dùng chung cho tất cả các loại rác thải, chỉ có một số ít các đơn vị, địa điểm tự trang bị các thiết bị phân loại rác.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, việc phân loại rác mới thực hiện được đối với các loại rác có giá trị tái chế cao như: chai nhựa, giấy bìa, giấy học sinh... Rác thải tái chế được thu gom chủ yếu do những người thu mua đồng nát, ve chai hoặc chỉ ở mức độ quy mô hộ gia đình, gom góp các loại rác thải tái chế có thể bán được cho các cơ sở thu mua phế liệu. Ngoài ra, còn nhiều loại rác thải nhựa (RTN) có giá trị tái chế thấp như túi ni lông, vỏ bánh kẹo, vỏ thuốc... hầu như chưa được người dân phân loại do các cơ sở thu mua phế liệu không thu mua các loại chất thải này.
Theo thống kê của ngành chức năng một số địa phương như TP Thanh Hóa, huyện Yên Định, Thường Xuân... đã thí điểm thực hiện mô hình phân loại chất thải rắn (CTR) tại nguồn. Mô hình đã đạt được những kết quả nhất định, nâng cao nhận thức của người dân về việc phân loại CTR tại nguồn. Tuy nhiên các mô hình thí điểm phân loại CTR chủ yếu tập trung vào phân loại CTR dễ phân hủy để ủ làm phân bón, chưa thực hiện phân loại các loại RTN đặc biệt là các loại có khả năng tái chế thấp.
Hiện nay hoạt động tái chế RTN trên địa bàn tỉnh chưa được phổ biến. Qua thống kê, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 5 cơ sở sản xuất hạt nhựa tái chế từ chất thải nhựa, tuy nhiên các cơ sở này chỉ tái chế một số loại nhựa nhất định theo nhu cầu. Đơn cử như Công ty CP Giấy Mục Sơn (Thọ Xuân) chỉ sản xuất hạt nhựa tái chế từ RTN phát sinh từ quá trình sản xuất của công ty; 2 cơ sở nhỏ sử dụng nguồn nguyên liệu trong tỉnh gồm hộ gia đình ông Nguyễn Công Hướng (thị xã Nghi Sơn) chỉ thu mua túi ni lông sạch phát sinh từ các cơ sở giày da, may mặc và Công ty Vạn Lộc Xuân (Triệu Sơn), chỉ thu mua các bao bì đựng thức ăn chăn nuôi để tái chế thành hạt nhựa). 2 cơ sở lớn sử dụng nguyên liệu nhập khẩu và thu mua từ tỉnh ngoài là Công ty Vận tải và Khai thác khoáng sản Xuân Hòa và Công ty TNHH Nhựa Song Hà. Theo kết quả điều tra, khảo sát trên địa bàn tỉnh, ước tính trong năm 2022 RTN có giá trị tái chế cao (chai nước ngọt, nước khoáng...) khối lượng khoảng 85 - 120 tấn/ngày, tương đương 31- 43,75 nghìn tấn/năm. Với công suất sản xuất hàng năm của 2 cơ sở lớn (tổng nhu cầu nguyên liệu khoảng 60.000 tấn/năm), nếu nguồn phế liệu trong tỉnh đáp ứng các điều kiện của 2 cơ sở tái chế này (nguồn nguyên liệu phải sạch, khô và ép kiện), các cơ sở này có thể thu mua toàn bộ lượng RTN phát sinh trên địa bàn tỉnh để thực hiện tái chế.
Tuy nhiên, cũng trong tình trạng chung của cả nước, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa chưa có hạ tầng riêng cho việc thu gom và vận chuyển RTN. Các loại RTN phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu như được thu gom và vận chuyển cùng với các loại CTR sinh hoạt khác. Đặc biệt, RTN trên biển gần như chưa được thu gom, chỉ khi dạt vào bờ, được thu gom vào các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường.
Về việc xử lý RTN trong sinh hoạt, theo kết quả điều tra và khảo sát của ngành chức năng tại các bãi rác hiện có trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cho thấy, RTN trừ các loại có giá trị tái chế cao như: chai nhựa, chậu nhựa hỏng... các loại chất thải nhựa còn lại đang được xử lý cùng các loại chất thải sinh hoạt khác bằng 2 phương pháp chính là đốt và chôn lấp.
Trước thực trạng CTR sinh hoạt, trong đó có RTN phát sinh ngày càng tăng, trong khi hầu hết các khu xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong tình trạng quá tải, công nghệ xử lý chủ yếu là đốt và chôn lấp, số cơ sở tái chế chất thải còn ít khiến nguy cơ thiếu nơi xử lý rác ngày càng gia tăng. Điều này cũng đồng nghĩa trong tương lai, Thanh Hóa cần quan tâm tăng cường giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải, trong đó có RTN, biến rác thải thành tài nguyên.
Cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất tận dụng nguồn nhựa phế thải trong nước để tái chế, xuất khẩu đảm bảo mục tiêu kép, vừa sản xuất kinh tế, giảm thiểu phát sinh nhựa ra môi trường. Giảm dần việc nhập khẩu phế liệu nhựa, đảm bảo an toàn môi trường khu vực, từng bước giải quyết thách thức về RTN. Cùng với đó, vận động xây dựng cơ chế, chính sách cho việc xây dựng và phát triển thị trường đầu ra ổn định, bao tiêu sản phẩm đối với hạt nhựa tái sinh. Khuyến khích, hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp đầu tư tái chế nhựa theo hình thức liên doanh, liên kết có quy mô thích hợp, tái chế nhựa trên cơ sở đảm bảo an toàn môi trường theo chứng chỉ quốc tế, qua đó góp phần tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn.
Nguồn: Theo Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Thanh Hóa, "Thanh Hóa: Nâng cao nhận thức, hành động trong xử lý và tái chế rác thải nhựa", đăng ngày: 17/08/2023, xem tại link: https://thanhhoa.dcs.vn/tinhuy/pages/2023-8-17/Nang-cao-nhan-thuc-hanh-dong-trong-xu-ly-va-tai-ch7n7yqj8vb7j5.aspx, truy cập ngày: 19/06/2024