UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất lĩnh vực thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn.
Theo kế hoạch, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 100% nông, ngư dân tại vùng ven biển, vùng nuôi tập trung và cán bộ quản lý thủy sản các cấp được phổ biến tuyên truyền, tập huấn về quản lý và hành động giảm thiểu rác thải nhựa; 100% cán bộ quản lý rừng phòng hộ, hộ dân giữ rừng được tuyên truyền về quản lý và hành động giảm thiểu rác thải nhựa.
TP.HCM cũng đặt mục tiêu giảm thiểu sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần từ 20% trở lên; giảm 50% sử dụng phao xốp trong nuôi biển; từ 80% trở lên cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ thay thế 30% túi nhựa dùng một lần bằng loại thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần.
Mô hình nuôi hào bằng can nhựa tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ
Đồng thời, TP.HCM sẽ nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa từ các hoạt động sản xuất thủy sản. Cụ thể, 100% tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa mang về bờ, tập trung tại các điểm thu gom, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; 100% các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại vùng nuôi trồng tập trung thu gom, phân loại rác thải nhựa chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; từ 70% trở lên các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ thu gom, phân loại rác thải nhựa tại cơ sở trước khi chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; 100% bến cá tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, UBND TPHCM đã đã đề ra các giải pháp thực hiện trọng tâm như: thực hiện các giải pháp như nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thay đổi thói quen của cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan; giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom, phân loại từ nguồn, tái sử dụng, tái chế và từng bước thay thế sử dụng vật tư chuyên dùng bằng nhựa trong ngành thủy sản đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ liên quan đến quản lý rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản…
UBND TP.HCM cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức . Trong đó, UBND huyện Cần Giờ tổ chức các phong trào làm sạch môi trường biển, ven biển, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, bến cá; chỉ đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ thực hiện mô hình “Nói không với túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT