UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định số 4837 phê duyệt Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, TPHCM đặt mục tiêu quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có rừng lên 16% vào năm 2025 và 16,24% vào năm 2030 và duy trì ổn định tỷ lệ che phủ, nâng cao chất lượng rừng ở giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, giảm đến mức thấp nhất các vi phạm vào tài nguyên rừng. Khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả, đa mục đích tài nguyên rừng hiện có. Triển khai thực hiện hiệu quả, có chất lượng các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển lâm nghiệp trên địa bàn.
Về định hướng phát triển rừng, TP.HCM phát triển rừng đặc dụng tại 2 khu vực sinh thái: xây dựng Vườn sưu tập cây ngập phèn tại Rừng thực nghiệm lâm nghiệp Tân Tạo tại huyện Bình Chánh và xây dựng Vườn thực vật TP.HCM tại huyện Củ Chi. Về rừng phòng hộ, TP.HCM sẽ chuyển đổi chức năng rừng hộ môi trường thành rừng phòng hộ chắn gió trên địa bàn huyện Bình Chánh; chuyển đổi chức năng rừng phòng hộ môi trường thành rừng phòng hộ chắn sóng trên địa bàn huyện Cần Giờ. Đối với rừng sản xuất, TP.HCM sẽ ổn định diện tích hiện có tại khu vực sinh thái nhiễm phèn trên địa bàn huyện Bình Chánh.
TP.HCM ban hành nhiều giải pháp quản lý và phát triển rừng
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM tuyên truyền nâng cao nhận thức về các giá trị môi trường, đa dạng sinh học diện tích rừng hiện có trên địa bàn; tăng cường giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân.
Đồng thời, TP.HCM sẽ triển khai áp dụng các chính sách cho bảo vệ phát triển rừng theo cơ chế đặc thù của thành phố như xây dựng quy chế quản lý các loại rừng; điều chỉnh tiền công khoán bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn thành phố, đảm bảo mức thu nhập cho hộ dân giữ rừng trên mức hộ nghèo; đảm bảo ngân sách đầu tư cho trồng rừng, chăm sóc rừng, cải tạo làm giàu rừng trồng; có cơ chế, chính sách cho chủ rừng là doanh nghiệp được giao thuê đất cho trồng rừng sản xuất; các ngành nghề chế biến lâm sản, gây nuôi động vật hoang dã là thế mạnh của thành phố.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực quản lý lâm nghiệp trên địa bàn thành phố bảo đảm đồng bộ, tinh gọn thống nhất, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, rà soát, sắp xếp lại, kiện toàn 2 Ban Quản lý rừng phòng hộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường kiểm lâm địa bàn và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ quản lý ngành lâm nghiệp chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả thông qua kế hoạch đào tạo ngắn hạn và dài hạn với các chế độ chính sách ưu đãi khi cử đi tham gia các khóa học tại các trường, viện.
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT