Quảng Ninh lần đầu tiên thí điểm thiết lập tài khoản chất thải rắn nhằm cung cấp cơ quan quản lý một bức tranh tổng thể về hiện trạng quản lý chất thải rắn làm cơ sở đề xuất giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả và bền vững.
Đây là nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học TS. Kim Thị Thuý Ngọc – Viện Chiến lược, chính sách Tài Nguyên và Môi Trường (ISPONRE) và TS. Trần Hoài Lê – Trung tâm Phân tích và Môi trường (CAE) về thiết lập tài khoản chất thải rắn theo khung hệ thống hạch toán kinh tế môi trường (SEEA-CF) của Liên Hợp Quốc - nghiên cứu thí điểm tại Quảng Ninh.
Tài khoản chất thải rắn (CTR) được thiết lập theo hướng dẫn khung Hệ thống về Hạch toán Kinh tế - Môi trường (SEEA – CF) của Liên Hợp quốc năm 2012. Theo đó, khung SEEA – CF hướng dẫn đo lường môi trường và mối quan hệ của môi trường với nền kinh tế, xem xét sự thay đổi của các tài sản môi trường. Đồng thời, Tài khoản chất thải rắn đóng vai trò hữu ích trong việc tổ chức thông tin về việc phát sinh chất thải rắn và quản lý dòng chất thải rắn đến các cơ sở tái chế, các bãi chôn lấp được kiểm soát hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Hình ảnh minh họa
Theo hướng dẫn của SEEA-CF, dữ liệu tổ chức tài khoản chất thải rắn được tổng hợp theo quy trình quản lý, phát sinh các loại chất thải rắn cũng như lĩnh vực cung cấp và sử dụng. Cấu trúc của tài khoản CTR do SEEA-CF đề xuất bao gồm hai bộ dữ liệu: Bảng cung cấp và bảng sử dụng, trong đó, bảng cung cấp tổng hợp số liệu thể hiện lượng chất thải rắn phát sinh theo lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, hộ gia đình, hoạt động y tế.... Tương tự, bảng sử dụng trình bày thông tin định lượng về tình trạng của chất thải rắn được thu gom, xử lý thông qua các hoạt động/phương pháp/lĩnh vực khác nhau.
Nhằm mục đích rà soát cơ sở dữ liệu về phát sinh và quản lý chất thải rắn, cũng như xác định dòng luân chuyển chất thải rắn từ nguồn phát sinh đến điểm xử lý cuối cùng, khối lượng chất thải rắn từ nguồn phát sinh đến các giai đoạn thu gom vận chuyển, xử lý và lượng tồn lưu ngoài môi trường, nhóm nghiên cứu đã tính toán và thiết lập tài khoản chất thải rắn cho tỉnh Quảng Ninh theo hướng dẫn của SEEA – CF, từ các nguồn thải năm 2015 và 2022 để đánh giá sự thay đổi tài khoản CTR trong 2 giai đoạn này, từ đó, xây dựng nền tảng việc thiết lập Tài khoản chất thải rắn trong thời gian tiếp theo.
Qua đó, kết quả khảo sát về Tài khoản chất thải rắn năm chất thải rắn ghi nhận, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tại Quảng Ninh khá cao (dao động từ 82 – 98%), trong đó khu vực thành thị có tỷ lệ thu gom cao hơn khu vực nông thôn. Điều đó có nghĩa, một lượng chất thải rắn chưa được thu gom, đang tồn tại trong môi trường chiếm tỷ lệ khoảng từ 2 – 18%.
Tỷ lệ rác thải được tái chế/ tái sử dụng ở các địa phương dao động từ 6,6% - 28,1% và toàn tỉnh là 16,1%. Tỷ lệ rác thải tái chế cao nhất tập trung ở các khu Cụm Công nghiệp trong khu vực thành phố/ thị xã/ huyện. Theo đó, tỷ lệ chất thải rắn phát sinh được xử lý bằng phương pháp chôn lấp là chủ yếu, chiếm khoảng 74,2%; phương pháp đốt là 2,9% và các phương pháp khác (xử lý chất thải nguy hại) là 1,6%.
Hình ảnh minh họa
Xét đến năm 2022, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại Quảng Ninh là 1.458.857,68 tấn/ ngày. Những địa phương có lượng phát thải lớn nhất gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Hải Hà, đây là những khu vực tập trung nhiều dân cư và cơ sở sản xuất công nghiệp với tỷ lệ thu gom chất thải rắn trên địa bàn tỉnh cũng khá cao.
Bình quân toàn tỉnh là 94,83%, khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn; lượng chất thải rắn được xử lý chiếm đến 88,37% lượng chất thải rắn phát sinh; lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 67,96%, phương pháp đốt chỉ chiếm 19,87%, còn lại bao gồm các phương pháp xử lý rác thải khác.
Từ số liệu thống kê, tính toán, lập tài khoản chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh năm 2015 và năm 2022 có thể thấy, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có sự chênh lệch đáng kể giữa năm 2015 và 2022. Cụ thể, năm 2022 cao gấp 129 lần so với năm 2015 (11.328,4 tấn/ ngày), trong đó, khối lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở công nghiệp được ghi nhận là chênh lệch lớn nhất (tăng khoảng 1,4 triệu tấn/ ngày).
Theo đó, việc thiết lập Tài khoản chất thải rắn theo SEEA – CF được thí điểm, thử nghiệm tại tỉnh Quảng Ninh trong 2 năm 2015 và 2022, đã giúp thể hiện rõ khối lượng chất thải phát sinh, thu gom, xử lý cũng như lượng chất thải còn lại trong môi trường, và các loại chất thải khác nhau, giúp việc đánh giá và quản lý CTR tại tỉnh được thực hiện hiệu quả hơn.
Từ hiện trạng trên, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị giúp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn tại tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới. Cụ thể, cần xây dựng và thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn tại nguồn nhằm giảm lượng chất thải rắn phải xử lý (đốt hoặc chôn lấp); cần tăng cường sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật về lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải có thể tái chế,…
Trong quá trình lần đầu xây dựng tài khoản chất thải rắn, nhóm nghiên cứu nhận thấy một số vướng mắc. Đó là: Các số liệu thống kê về hoạt động phát sinh, vận chuyển và xử lý chất thải chưa được tổng hợp hàng năm đầy đủ; một số loại chất thải đặc thù có khối lượng phát sinh lớn như chất thải rắn xây dựng, bùn thải vẫn chưa được thống kê và quản lý hiệu quả; các số liệu về thành phần/đặc tính chất thải dựa trên các kết quả khảo sát quy mô nhỏ, chưa đầy đủ, chưa mang tính đại diện. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị, mỗi địa phương sử dụng các phương pháp thu thập, tính toán số liệu khác nhau nên có chưa có sự thống nhất về dữ liệu,…
Đồng thời, để Tài khoản chất thải rắn được áp dụng, triển khai rộng rãi, và đạt kết quả tích cực, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất như: Các số liệu chất thải rắn (khối lượng phát sinh, thu gom, xử lý), cùng các số liệu khác cần được coi là số liệu thống kê hàng năm, nhằm phục vụ công tác quản lý môi trường cấp địa phương (bao gồm cả cấp huyện và cấp tỉnh); các loại chất thải rắn nên được phân loại chi tiết, vừa đảm bảo phù hợp với định nghĩa đưa ra trong Luật Bảo vệ môi trường nhưng vẫn phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, ban hành các phương pháp thống kê, tính toán thống nhất cho từng loại chất thải rắn khác nhau. Các phương pháp được xây dựng cần đảm bảo tính khoa học, tham khảo kết quả nghiên cứu đã thực hiện trước đó để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, Dữ liệu về chất thải rắn bao gồm phát sinh, thu gom và xử lý chất thải cần được coi là dữ liệu thống kê hàng năm, cùng với các dữ liệu khác để phục vụ công tác quản lý môi trường cấp địa phương (cả cấp huyện và cấp tỉnh); cần xây dựng và ban hành các phương pháp thống kê, tính toán cho từng loại chất thải rắn khác nhau; một lượng lớn rác thải có thể tái chế đang được thu gom và tái chế theo hệ thống không chính thức. Để nâng cao vai trò của hệ thống không chính thức trong hoạt động quản lý chất thải rắn và nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động này, cần xây dựng và thiết lập và vận hành cơ chế báo cáo dữ liệu đầy đủ về lượng rác thải này.
Những kết quả trong nghiên cứu cung cấp một cách tổng thể về hiện trạng quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở đề xuất giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả và bền vững.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường " Thiết lập tài khoản chất thải rắn ", đăng ngày 12/09/2024, xem tại link " https://www.monre.gov.vn/Pages/thiet-lap-tai-khoan-chat-thai-ran.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng ", truy cập ngày 01/10/2024.