Thừa Thiên Huế: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý "Lợi đôi đường"

Thứ 2, 25/12/2023, 07:35 GMT+7

Trên nhiều cánh đồng, nông dân vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tùy tiện như tăng nồng độ, liều lượng, phối trộn nhiều loại thuốc trong một lần phun, phun thuốc trừ sâu khi chưa đến mức phải phun… đã ảnh hưởng đến môi trường, sinh trưởng của cây trồng. Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các địa phương, đơn vị hướng dẫn nông dân sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV đúng quy trình, quy định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trong điều kiện dịch bệnh, bão lũ bất thường, nhưng năm nay diện tích lúa và các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh đều ổn định. Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt cao gần 100%, diện tích gieo cấy nhóm giống chất lượng gần 20 ngàn ha/năm. Việc thu thập, khảo nghiệm, xác định các giống lúa mới đạt năng suất, nhiều ưu điểm vượt trội, ít sâu bệnh, thích hợp với từng chân đất được ngành nông nghiệp triển khai. Nhiều địa phương, hợp tác xã đang hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn, VietGAP.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 56 ngàn mét vuông nhà lưới, 7.500ha lúa, rau màu, củ quả sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ. Thông qua các mô hình mới này, hoạt động BVTV được chú trọng, công tác điều tra, dự tính, dự báo, phòng trừ sinh vật gây hại được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Việc triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trồng lúa hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng, mà còn tạo sự chuyển biến nhận thức người dân, từng bước chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp an toàn.

Thừa Thiên Huế thu gom xử lý thuốc bảo vệ thực vật

Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh (hình ảnh minh họa)

Tuy nhiên, so với diện tích nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thì các mô hình công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ hiện nay còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Phần lớn diện tích nông nghiệp còn lại trên địa bàn tỉnh đang sản xuất theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Điều này dẫn đến việc quản lý sản xuất, dịch hại, tổ chức phòng trừ sâu bệnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu quản lý sử dụng thuốc BVTV trong quá trình sản xuất.

Vòng quanh trên nhiều bờ đê, đồng ruộng rất dễ bắt gặp nhiều chai lọ, bao bì thuốc phòng trừ sâu bệnh, thuốc BVTV. Hầu hết nông dân đều thừa nhận, trước tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, không thể không sử dụng thuốc trừ sâu. Điều đáng nói ở đây, người dân không chỉ sử dụng mà còn lạm dụng thuốc BVTV trong phòng trừ sâu bệnh, hoặc sử dụng thuốc không đúng cách, không đúng quy định. Điều này dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường đồng ruộng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe con người.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông thông tin, hàng năm, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tổ chức hướng dẫn nông dân sử dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc BVTV, cung cấp các thông tin, tài liệu giúp bà con phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường. Đến nay, phần lớn nông dân cơ bản nắm bắt quy trình, quy định sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều vụ lúa gần đây, sâu bệnh diễn biến phức tạp nên người dân lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng thuốc phun phòng trừ sâu bệnh không đúng quy định.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, ông Lê Văn Anh khẳng định, vẫn còn một bộ phận nông dân sử dụng thuốc BVTV chưa đảm bảo theo yêu cầu, không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” và khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật. Người dân trộn nhiều loại thuốc phun cùng một lúc để đỡ tốn công, chưa áp dụng đúng cách khi phun thuốc. Khi sâu bệnh xảy ra, hầu hết bà con chưa kiểm tra mật độ thực tế trên đồng ruộng, dẫn đến tình trạng phun thuốc không đúng liều lượng, thời điểm, thậm chí lạm dụng thuốc BVTV.

Theo mục tiêu, định hướng của ngành nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và BVTV tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị hướng dẫn nông dân sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV đúng quy trình, quy định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường. Các mô hình trình diễn sử dụng phân bón, thuốc BVTV phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và cơ cấu cây trồng từng vùng được triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến cáo, nâng cao nhận thức nông dân trong sử dụng thuốc BVTV, phòng trừ sâu bệnh một cách hợp lý, an toàn. Đồng thời, kết hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc BVTV, chất cấm trong sản xuất lúa, rau màu, củ quả.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Long An cho rằng, việc sử dụng hợp lý thuốc BVTV không chỉ giảm chi phí đầu tư sản xuất mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế. Yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp hiện nay là phải tăng cường công tác dự tính, dự báo sâu bệnh gây hại trên cây trồng một cách chính xác, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Các địa phương, HTX và nông dân cần tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, cánh đồng lớn; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất các loại cây trồng, ứng dụng công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ.

Nguồn: Thừa Thiên Huế Online

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc