Cộng đồng doanh nghiệp dệt may Việt Nam - Uzbekistan đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để nâng cao hơn nữa hợp tác trong tương lai.
Ngày 8/2/2023, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - Ông Vũ Đức Giang đã có buổi tiếp đón và làm việc cùng đoàn Hiệp hội Dệt may Uzbekistan do ông Laziz Kudratov, Chủ tịch Hiệp hội làm trưởng đoàn tại văn phòng Công ty Dệt Bảo Minh, Nam Định. Tham gia buổi họp còn có sự tham gia của các lãnh đạo doanh nghiệp Dệt may Việt Nam là Công ty Dệt Bảo Minh, Tổng Công ty May Bắc Giang LGG, Công ty CP May Nam Định Nagaco, Công ty TNHH Youngone Nam Định.
Buổi tiếp đón và làm việc cùng đoàn Hiệp hội Dệt may Uzbekistan
Tại buổi làm việc, ông Vũ Đức Giang giới thiệu khái quát về tình hình dệt may Việt Nam trong năm 2022 vừa qua, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm ngoái. Ông cho biết thêm, hiện nay những thông tin về Uzbekistan vẫn còn rất hạn chế do quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn. Đánh giá Việt Nam và Uzbekistan có nhiều điểm tương đồng, Chủ tịch VITAS cho rằng, hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác trong tương lai. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, cùng thị trường có số dân lớn và nhu cầu sử dụng hàng hóa cao. Chính vì vậy, cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Uzbekistan phát triển thị trường vẫn còn rất lớn.
Ông Laziz Kudratov (giữa ảnh) - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Uzbekistan.
Về phía Uzbekistan, ông Laziz Kudratov cho biết Uzbekistan là quốc gia lớn nhất khu vực Trung Á; dân số trẻ; có hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế lớn; cơ sở hạ tầng đường bộ được quan tâm đầu tư; giàu tài nguyên khoáng sản.
Ngành dệt may Uzbekistan đã có bước tiến vượt trội trong khoảng thời gian từ 2017-2022, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất bông với sản lượng 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 triệu USD. Bông Uzbekistan cũng là một trong những thương hiệu nổi bật trên thị trường quốc tế về chất lượng khi ngành công nghiệp sản xuất được chính phủ đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, đạt các chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế về sự bền vững như ISO, OEKO-TEX, GOTS, BSCI, v.v...
Vị trí địa lý cũng là thế mạnh của Uzbekistan khi quãng đường luân chuyển tới châu Âu là 14 ngày, Trung Quốc là 7 ngày, v.v... cùng các thuận lợi về thuế xuất khẩu tới thị trường Châu Âu.
Ông Laziz Kudratov đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường kết nối doanh nghiệp dệt may hai nước; thành lập tổ công tác chung nhằm đưa ra giải pháp kết nối thương mại; phát triển để tìm ra cơ hội hợp tác mới trong tương lai.
Ông Vũ Đức Giang cùng ông Laziz Kudratov đều thống nhất xây dựng các kênh thông tin, cũng như tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên có cơ hội tìm kiếm hợp tác, trao đổi, thực hiện các dự án đầu tư cụ thể trong tương lai.
Nguồn: Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)