Thúc đẩy tái chế chất thải tại Việt Nam

Thứ 2, 12/08/2024, 03:29 GMT+7

Chiều 9/8, Hiệp Hội Tái chế chất thải Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 3 năm thành lập với chủ đề “Cơ hội đầu tư tái chế tại Việt Nam”. Tham dự chương trình có ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Ban Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã quy tụ các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, các doanh nghiệp tái chế chất thải được cấp phép hoạt động đúng quy định và được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách cơ sở tái chế đạt tiêu chuẩn, với đa dạng các ngành nghề như: Tái chế nhựa, giấy, cao su, vải, kim loại, chất thải điện tử, dầu nhớt, pin, ắc quy, chất thải hữu cơ, vỏ hộp sữa, ...; Lĩnh vực năng lượng xanh; Công nghệ Môi trường, Xử lý chất thải; Vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải sinh hoạt, Thu gom, cung cấp giải pháp tái chế, xử lý chất thải; Ứng dụng công nghệ Quản lý chất thải; Tổ chức hoạt động vì cộng đồng,... cùng nhiều sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho ngành công nông nghiệp khác.

Qua 3 năm thành lập, Hiệp Hội tái chế chất thải Việt Nam đã có sự tham gia của hơn 100 hội viên với đa dạng các ngành nghề tái chế, công nghệ môi trường. Trong năm 2023 - 2024, Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam đã tham gia trong công tác tham vấn, phản biện chính sách, tham luận, chủ trì hơn 50 hội thảo trong nước và quốc tế với các chủ đề liên quan đến tái chế, môi trường. Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cũng tham gia trong công tác tham vấn, phản biện chính sách xây dựng chính sách và cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu và tham gia ý kiến, kiến nghị về lĩnh vực môi trường, tái chế khác; Hội thảo “Các chính sách và giải pháp giảm thiểu ô nhiễm chất thải hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” trong khuôn khổ Triển lãm và Hội thảo Viet Water & WETV tháng 10 năm 2023;…

Cạnh đó, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cũng thúc đẩy hoạt động vì cộng đồng và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường, là giám khảo một số giải thưởng doanh nghiệp xanh, cuộc thi về giải pháp môi trường.

Đặc biệt, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam khởi động chương trình Văn hóa Tái chế học đường năm học 2023 – 2024, đã thực hiện rất sôi nổi tại 10 điểm trường thuộc Quận 7, “Tái chế vì tương lai” Quận 8, TPHCM, thu hút hơn 10.000 học sinh tham gia, với hơn 1.000 sản phẩm dự thi sáng tạo, Hiệp hội đã trao hơn 3.000 phần quà và thu về tại sự kiện hơn 2 tấn chất thải tái chế.

Thúc đẩy tái chế chất thải tại Việt NamChủ tịch Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam Trần Việt Anh phát biểu

Báo cáo kết quả hoạt động tại chương trình, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam Trần Việt Anh cho biết, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam - VWRA chính thức được Bộ Nội Vụ cấp phép thành lập vào tháng 3 năm 2021; Hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Tài Nguyên và Môi trường với tầm nhìn: “Trở thành tổ chức hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tải chế chất thải, góp phần xây dựng một xã hội bền vững, nơi mà các nguồn tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả và tối ưu, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”.

Đồng thời Ông cho biết thêm, thị trường tái chế ở Việt Nam nhìn chung còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ tái chế chất thải mới chỉ đạt khoảng 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có công nghệ tái chế phù hợp, chưa có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tái chế đúng nghĩa; công tác phân loại nguồn cũng chưa đồng bộ… Nếu khắc phục được các nguyên nhân này thì tiềm năng tái chế chất thải ở Việt Nam là rất lớn, mang lại nguồn tài nguyên quý giá.

Thúc đẩy tái chế chất thải tại Việt NamVụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường Phan Tuấn Hùng phát biểu tại chương trình.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN-MT cho biết, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Chính sách EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Quy định này buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải.

Thúc đẩy tái chế chất thải tại Việt NamKhách tham quan triển lãm các sản phẩm tái chế bên lề chương trình.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tái chế là xu hướng tất yếu, trên thế giới tái chế là tiêu chí bắt buộc, đây là cơ hội cho ngành tái chế của Việt Nam. Hiện Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng cơ chế pháp luật về tái chế với nhiều quy định, cơ chế ưu đãi để thúc đẩy tái chế. Với mục tiêu hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định với hai trách nhiệm là trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, trách nhiệm tái chế quy định, các nhà sản xuất, nhập khẩu pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và bao bì (thương phẩm) sẽ phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu sau khi người tiêu dùng thải bỏ.

Trong thời gian tới, ông Phan Tuấn Hùng mong Hiệp Hội Tái chế chất thải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, thông tin về chính sách ưu đãi thúc đẩy tái chế đến với doanh nghiệp.

Nguồn: Trang thông tin điện tử Đảng Bộ TP. HCM, Cơ hội đầu tư tái chế tại Việt Nam, đăng ngày 09/08/2024, theo link https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/co-hoi-dau-tu-tai-che-tai-viet-nam-1491925971, truy cập ngày 12/08/2024.

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc