Tìm giải pháp biến rác thành tài nguyên!

Thứ 4, 14/06/2023, 09:35 GMT+7

Làm thế nào để biến rác thải thành tài nguyên theo mô hình kinh tế tuần hoàn? Còn những vướng mắc nào cần được tháo gỡ về thể chế, công nghệ? Đây là những vấn đề đặt ra tại Diễn đàn Môi trường năm 2023 do Tạp chí TN&MT tổ chức ngày 9/6 với chủ đề: “Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên”.

Mối đe dọa lớn đến từ số lượng rác thải rắn trong sinh hoạt

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Đất nước ta đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ với tốc độ đô thị hoá ở thành thị và nông thôn ngày càng nhanh; cùng với đó là sự gia tăng dân số, đồng nghĩa kéo theo sự gia tăng về lượng chất thải rắn sinh hoạt, gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường.

Theo số liệu thống kê của Bộ TNMT, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị 3 chiếm 60%; chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày cũng là 1 con số khá lớn, nhưng đáng chú ý hơn cả là tỷ lệ thu gom và tỷ lệ xử lý loại chất thải này vẫn chưa đạt 100%.

Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10 - 16%/năm. Về vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay, có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh.

Biến rác thành tài nguyên

TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT; PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT và ông Đặng Đình Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá , Thẩm định và Giám định Công nghệ, Bộ KH&CN chủ trì Diễn đàn

"Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí metan - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính. Trước những khó khăn, thách thức này, thiết nghĩ, các giải pháp như phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải,… cần được tăng cường áp dụng", TS Đào Xuân Hưng nhấn mạnh.

Áp dụng khoa học, công nghệ sẽ biến rác thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên môi trường, hiện trên cả nước có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost (phân hữu cơ) tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý khác nhau.

Về tỷ lệ xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý, hiện nay, khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bãi thải từ các cơ sở chế biến phân hữu cơ và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt); khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân hữu cơ và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.

Đưa ra giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng cần khuyến khích tái chế và tái sử dụng, xây dựng các chương trình khuyến khích người dân phân loại chất thải và thúc đẩy việc tái chế và tái sử dụng các vật liệu như giấy, nhựa, kim loại và thủy tinh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất và tiếp thị các sản phẩm tái chế…

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này sẽ tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường.

Xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hóa quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, hay công nghệ chất thải thành năng lượng để tạo ra sản phẩm tái chế và năng lượng sạch.

Biến rác thành tài nguyên

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TNMT phát biểu

Thúc đẩy kinh doanh xanh, khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp và dự án kinh doanh xanh liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kinh tế tuần hoàn. Điều này bao gồm các ngành công nghiệp tái chế, công nghệ xanh, sản xuất sản phẩm từ chất thải, và các dịch vụ quản lý chất thải.

Định hướng xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên, GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc ứng dụng chuyển giao các công nghệ của các nước tiên tiến, cần hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; rà soát và đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động một cách có hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, góp phần vào phát triển bền vững đất nước.

Trong khuôn khổ hội nghị, ThS. Đinh Nam Vinh, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ l, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị một số biện pháp về xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo ThS Đinh Nam Vinh, các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình trọng điểm cấp quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, trong đó có công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với Việt Nam; ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn liền với các dự án đầu tư, nghiên cứu nhiệm vụ khoa học, công nghệ có quy mô lớn; cần bổ sung đầy đủ chính sách về đơn giá xử lý rác/mua điện từ dự án điện rác cho từng loại hình công nghệ khác nhau, cơ chế miễn giảm thuế, hỗ trợ/giảm lãi suất.

Lựa chọn và áp dụng các công nghệ phù hợp, đảm bảo tính bền vững và tạo ra hiệu quả tốt nhất trong việc xử lý rác thải. Việc xử lý rác thải cần được tiếp cận một cách bài bản và hiệu quả để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; đẩy mạnh công tác phân loại rác thải tại nguồn và khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế. Điều này giúp giảm lượng rác thải đi vào bãi rác và tận dụng tối đa tài nguyên có được từ rác thải; đồng thời, cần xây dựng hệ thống hạ tầng tái chế hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào hoạt động tái chế.

Biến rác thành tài nguyên

Toàn cảnh diễn đàn

Chính phủ và các tổ chức có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý rác thải sáng tạo. Cần khuyến khích sự đổi mới và đầu tư vào các dự án nghiên cứu về công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, gồm cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of Things) và các công nghệ thông tin khác để giải quyết vấn đề này một cách thông minh và hiệu quả.

Nâng cao ý thức cộng đồng về xử lý rác thải, Chính phủ và các tổ chức cần tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền về ý thức xử lý rác thải đúng cách. Người dân cần được hướng dẫn về cách phân loại rác thải, sử dụng túi tái sử dụng và cách giảm lượng rác thải sinh ra trong cuộc sống hàng ngày…

Thông qua diễn đàn, các thông điệp về Luật Bảo vệ môi trường 2020 và ý nghĩa của ngày Môi trường thế giới đã được lan toả. Đồng thời tạo sự kết nối, kêu gọi các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân cùng nhau đồng hành, hỗ trợ để chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa vì môi trường xanh, chuyển tải những thông điệp về các chế tài từ các cấp quản lý đến doanh nghiệp, người dân một cách nhanh, dễ hiểu nhất.

Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc