TP HCM: Thắt chặt nguồn thải và xử lý chất thải công nghiệp

Thứ 6, 23/08/2019, 03:21 GMT+7

Trong khi đó, hạ tầng tiếp nhận và xử lý loại rác thải này vẫn còn manh mún, tự phát và có nguy cơ gây ảnh hưởng cao đến chất lượng môi trường. 

Lượng chất thải công nghiệp tăng nhanh

Khảo sát của Sở TN-MT TPHCM cho thấy, trong số gần 300.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn thành phố, có đến gần 30.000 DN sản xuất có phát sinh chất thải công nghiệp với tổng lượng chất thải phát sinh khoảng hơn 4.000 tấn/ngày.

Điều đáng nói là chỉ có hơn 2.000 cơ sở đang hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao; do vậy chỉ có hơn 11% lượng chất thải công nghiệp phát sinh được kiểm soát khá chặt chẽ.

Số còn lại đóng rải rác ở 24 quận huyện và rất nhiều cơ sở sản xuất này thường trộn lẫn chất thải công nghiệp vào chất thải sinh hoạt, hoặc lén lút đổ bỏ ra môi trường để giảm chi phí chuyển giao, xử lý. 

Thống kê tình hình phát sinh chất thải công nghiệp tại TPHCM và kết quả hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTCN của Môi Trường Á Châu

Trên thực tế, thời gian qua tình trạng chất thải công nghiệp bị đổ bỏ ở khu vực ngoại thành khá phổ biến. Tùy theo từng loại hình sản xuất mà chất thải công nghiệp có thành phần chất thải khác nhau.

Tập trung phổ biến là giấy, carton, bavia kim loại, thủy tinh, giẻ lau, vải vụn, plastic, ni lông, bao bì PP, PE, thùng PVC, thùng kim loại, dầu thải, bã thải, bùn bã thải, gỗ, vỏ cây, mùn cưa, rác thực phẩm, cao su, tro, xỉ than, xỉ kim loại…

Không dừng lại đó, ngay cả các DN có chuyển giao chất thải nhưng hạ tầng tiếp nhận và xử lý còn rất manh mún, tự phát, không đáp ứng yêu cầu thực tế. Đại diện nhà máy xử lý của Công ty Vietstar cho biết, lượng chất thải công nghiệp có khả năng tái chế chỉ đạt khoảng 6% - 10% trên tổng lượng chất thải công nghiệp phát sinh, chủ yếu là nhựa phế liệu các loại và kim loại, nhựa cứng.

Cũng theo Sở TN-MT, tính đến tháng 5-2018, đơn vị xử lý chất thải công nghiệp lớn nhất thành phố là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM chỉ tiếp nhận và xử lý trên dưới 1.000 tấn/ngày. Còn với chất thải nguy hại, hiện đang tồn tại 13 công ty được cấp phép hành nghề xử lý, với công suất gần 300 tấn/ngày.

Các công nghệ xử lý tập trung vào đốt, tái chế chuyên biệt như tái chế/súc rửa thùng phuy, bao bì cứng, tái chế sơn, tiền xử lý chất thải điện tử, bóng đèn; ổn định - hóa rắn, xử lý hóa học, tẩy rửa phế liệu kim loại, nhựa… nên chưa đáp ứng nhu cầu xử lý thực tế hiện nay của DN. 

DN xử lý còn manh mún

z1078898807509_1156a81af1ce89be5021fc53a4305909Rác thải công nghiệp đổ trộm trên vỉa hè tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Môi Trường Á Châu)

Theo đại diện nhiều DN, hoạt động tái chế, xử lý chất thải nguy hại cũng bộc lộ nhiều nhược điểm. Hầu hết các cơ sở tái chế, xử lý chất thải công nghiệp thường tập trung chủ yếu vào kinh doanh phế liệu, có quy mô vừa và nhỏ. Việc mở rộng quy mô xử lý chất thải nguy hại gặp khó khăn về đất và tài chính.

Do đó, dẫn đến tình trạng độc quyền, giá thành xử lý không ổn định, chi phí xử lý chất thải nguy hại quá cao, chủ nguồn thải không có nhiều lựa chọn trong việc chuyển giao chất thải nguy hại để xử lý, tiêu hủy.

Ở góc độ quản lý, vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, thiếu thống nhất từ cấp thành phố đến quận huyện và phường xã. Hệ thống quản lý chỉ dựa vào nguồn lực chủ yếu từ con người và chính sách, mà thiếu sự đầu tư về cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật hỗ trợ.

Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều chồng chéo, chưa nhất quán, dẫn đến khó khăn, chồng lấn về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý địa phương khi thực hiện. Đặc biệt, lực lượng cán bộ quản lý chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế. 

Đại diện lãnh đạo UBND các quận huyện cho rằng, các công ty xử lý chất thải nguy hại đang hoạt động hiện nay với quy mô nhỏ, tồn tại rải rác ở nhiều khu vực quận huyện khác nhau, chưa mang tính tập trung vào một khu vực được quy hoạch.

Điều này dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra sự cố trong quá trình xử lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng và phải mất thời gian dài mới có khả năng khắc phục tính nguy hại với môi trường.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết sở này đang tham mưu thành phố để hoàn thiện quy trình cũng như chủ trương, chính sách cần thiết đủ để đảm bảo thắt chặt quản lý, xử lý chất thải công nghiệp trên toàn địa bàn.

Trước đó, thành phố đã dành ra 2 khu vực để quy hoạch xây dựng cơ sở xử lý chất thải là khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh). Tổng quỹ đất dành cho 2 khu vực này là 117ha. Diện tích này được tính đủ cho nhu cầu xử lý, tái chế toàn bộ lượng chất thải nói chung và chất thải công nghiệp nói riêng phát sinh tới năm 2050 của TPHCM.

Trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn thành phố, nhất là với 13 cơ sở đang xử lý chất thải nguy hại. Trong đó, sẽ minh bạch phương án di dời, cụ thể về địa điểm và thời gian di dời, phương án quản lý nguồn chất thải vào khu xử lý...

Đồng thời với việc di dời trên, sở sẽ tính đến yếu tố không cho phép tiếp nhận chất thải công nghiệp từ các tỉnh thành khác đổ về (do các cơ sở này đều được cấp phép xử lý liên tỉnh).

Nguồn:http://www.sggp.org.vn/that-chat-nguon-thai-va-xu-ly-chat-thai-cong-nghiep-608072.html

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc