TP Hồ Chí Minh: Nhiều mục tiêu dài hạn về môi trường

Thứ 5, 20/12/2018, 03:20 GMT+7

3

TP.HCM cần nguồn vốn lớn để xây dựng hệ thống nhà máy xử lý nước thải đô thị

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, TP HCM đặt ra nhiều mục tiêu và giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán về môi trường.

* Xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước thải

Trong chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2018 - 2020, TP Hồ Chí Minh đã đặt chỉ tiêu trong năm 2019 sẽ giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010. Để đạt được mục tiêu trên, thành phố đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách.

Với áp lực từ sự gia tăng dân số, việc hình thành, phát triển các khu đô thị và dự án công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang tạo nên áp lực lớn đến chất lượng môi trường nước. Đặc biệt, nguồn nước mặt ở các kênh rạch trên địa bàn thành phố đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều khu dân cư.

Theo khảo sát của ngành chức năng, tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ước tính khoảng 1.750.000m3/ngày. Với 2 trạm xử lý nước thải Bình Hưng và Bình Hưng Hòa thì lượng nước thải sinh hoạt được xử lý 171.000m3/ngày, chiếm tỷ lệ 10%. Nếu tính thêm lượng nước thải được xử lý cục bộ khoảng 199.624m3/ngày thì lượng nước thải đô thị được thu gom và xử lý tổng cộng 370.624m3/ngày, chiếm tỷ lệ 21,2%. Trong đó, khoảng 90.274m3/ngày được xử lý ở 2.797 cơ sở công nghiệp; 22.262m3/ngày từ 113 bệnh viện, 95 phòng khám đa khoa, 319 trạm y tế, 227 phòng khám nha khoa, phẫu thuật thẩm mỹ và 87.087m3/ngày từ 1.713 cơ  sở dịch vụ. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc việc xử lý nước thải ở TP Hồ Chí Minh cần được quan tâm hơn ở các khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải đô thị ngày càng tăng cao ở một đô thị phát triển như TP Hồ Chí Minh, thành phố đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu xử lý lượng nước thải đô thị. Theo đó, ngoài các biện pháp ngăn ngừa giảm ô nhiễm từ các nguồn thải, kêu gọi người dân không xả rác bừa bãi ra kênh rạch, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra sau cấp phép nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động liên quan có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và môi trường sống... thành phố còn mở rộng đầu tư nhiều dự án xử lý nước thải có công suất lớn.

Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng  hàng loạt nhà máy xử lý nước thải công suất lớn, bao gồm: Nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn, công suất 150.000m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm, công suất 300.000m3/ngày, Nhà máy xử lý nước thải Bình Tân, công suất 180.000m3/ngày và Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1, công suất 170.000m3/ngày để phục vụ việc xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố và triển khai thi công các công trình xử lý nước thải trọng điểm để xử lý toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt đô thị.Thành phố cũng đang gấp rút triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2), nâng công suất xử lý lên 469.000m3/ngày. Dự kiến, năm 2019 sẽ đưa vào vận hành khai thác….

* Xử lý 100% nước thải bệnh viện

Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường 2016 – 2020 của TP Hồ Chí Minh.

Để thực hiện được mục tiêu 100% nước thải bệnh viện được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, TP Hồ Chí Minh ưu tiên huy động tối đa nhiều nguồn lực trong việc triển khai đầu tư hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh cũng tăng cường kiểm tra giám sát việc xây dựng, lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý tại các bệnh viện. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với Sở Y tế tiếp tục giám sát việc thu gom xử lý nước thải của các bệnh viện, phòng khám và yêu cầu nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải trong trường hợp quá tải. Đồng thời, kiểm tra và có biện pháp quản lý phù hợp đối với các cơ sở y tế tư nhân có phát sinh nước thải y tế.

Hiện TP Hồ Chí Minh hiện có 113 bệnh viện, 95 phòng khám đa khoa, 319 trạm y tế, 227 phòng khám nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ.

Nguồn: Khánh An/Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc