Triển khai sâu rộng kế hoạch phân loại rác tại nguồn!

Thứ 4, 10/07/2024, 02:12 GMT+7

Thời gian qua, cùng với việc ban hành kế hoạch triển khai, các địa phương đồng loạt tổ chức tập huấn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Điện Biên

Tại Điện Biên, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 08/2024/QĐ-UBND về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn.

Kế hoạch được ban hành với mục đích nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý; kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; đảm bảo các tổ chức, cá nhân tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Kế hoạch đề ra mục tiêu trong năm 2024: Các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn thực hiện ban hành chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định.

Đến năm 2025 và các năm tiếp theo, tỉnh Điện Biên nỗ lực hoàn thành mục tiêu: 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định; kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến xã; đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Để hoàn thành kế hoạch theo đúng mục tiêu đề ra, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cần được thực hiện đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện trước tại các khu vực đô thị, đông dân cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp... từng bước mở rộng đến các khu vực nông thôn, đảm bảo việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn tính từ 31/12/2024.

Triển khai sâu rộng kế hoạch phân loại rác tại nguồn!

Tập huấn, triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại xã Nghĩa Hưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). 

Vĩnh Phúc

Tại Vĩnh Phúc, sáng 5/7, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Nghĩa Hưng (Vĩnh Tường) tổ chức tập huấn, triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho đại diện đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường, các hộ dân trên địa bàn.

Nhằm đảm bảo chậm nhất đến ngày 31/12/2024, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh đều được phân loại tại nguồn theo Kế hoạch số 62 của UBND tỉnh, tại buổi tập huấn, cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường đã thông tin về thực trạng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, tình hình thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn và những lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Đồng thời hướng dẫn người dân về những chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng; cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt; tác hại của ô nhiễm rác thải nhựa; hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Qua đó giúp các tổ chức đoàn thể, hộ gia đình và mỗi cá nhân nhìn nhận rõ hơn về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc phân loại, thu gom, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Từ đó tuyên truyền, hướng dẫn người thân trong gia đình và lan tỏa tới cộng đồng dân cư cùng thực hiện.

Nhân dịp này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trao tặng các hộ dân bao bì đựng chất thải để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt và tiếp nhận đăng ký sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải thực phẩm.

Ninh Bình

Tại Ninh Bình, sáng 5/7, tại xã Gia Tân, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Gia Viễn tổ chức tập huấn thực hành truyền thông phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và chống rác thải nhựa góp phần bảo vệ môi trường.

Tại hội nghị, hơn 50 hội viên phụ nữ xã Gia Tân đã nghe báo cáo viên của Trung ương Hội LHPN Việt Nam truyền thông về tác hại của rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường; thực trạng phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay; hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình…

Thông qua hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, cán bộ, hội viên phụ nữ trong bảo vệ môi trường. Từ đó thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi nilon khó phân hủy; tích cực tham gia các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thực hiện tốt việc thu gom, phân loại, đổ rác thải đúng quy định; ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; góp phần bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn mới ngày càng sáng-xanh-đẹp.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, "Triển khai sâu rộng kế hoạch phân loại rác tại nguồn", đăng ngày 08/07/2024, xem tại link "https://www.monre.gov.vn/Pages/trien-khai-sau-rong-ke-hoach-phan-loai-rac-tai-nguon.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng". Truy cập ngày 10/07/2024

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc