Hiện nay, sản xuất xanh đã trở thành yêu cầu tất yếu của các quốc gia, vùng lãnh thổ. Bởi vì, chỉ có sản xuất xanh mới thích ứng được với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đây cũng là mục tiêu để thế giới phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, gần 10 năm trở lại đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định để khuyến khích, bắt buộc các ngành, lĩnh vực phải có lộ trình tham gia vào sản xuất xanh. Mục đích là để giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Ngành vật liệu xây dựng cũng không nằm ngoài các kế hoạch, lộ trình tham gia vào sản xuất xanh, tuần hoàn để đáp ứng yêu cầu của ngành xây dựng xanh. Vì thế, những năm gần đây, nhiều công trình xanh tại Việt Nam được hình thành.
Theo một số chuyên gia về môi trường, gần đây, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng nhanh. Mỗi năm, tổng diện tích xây dựng từ 80 - 90 triệu m²/năm. Do đó, nếu sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống sẽ gây ô nhiễm môi trường, do tiêu hao nhiều tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tạo ra các chất thải độc hại, rác thải xây dựng khó tái chế.
Đơn cử như sử dụng gạch đất nung cho các công trình thì để có 1 tỷ viên gạch sẽ cần 75 ha đất khai thác ở độ sâu 2 m và 150.000 tấn than để nung. Quá trình sản xuất gạch nung sẽ thải ra môi trường gần 0,6 triệu tấn carbon. Vì thế, tìm kiếm vật liệu xanh trong xây dựng để tạo ra các công trình xanh đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn để hướng đến phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là xu thế và là mục tiêu của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam.
Theo Bộ Xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng xanh sẽ đem lại rất nhiều lợi ích như: giảm lượng điện tiêu thụ, giảm phát thải khí nhà kính, tài nguyên nước, góp phần cải thiện không gian sống. Tại Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhiều nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng đã đầu tư công nghệ và chuyển sang sản xuất vật liệu xanh để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, nhiều nhà máy sản xuất gạch không nung và nguyên liệu là từ nguồn chất thải của các ngành công nghiệp khác. Việc này giúp tiết kiệm được nhiều tài nguyên, khoáng sản và giảm chi phí xử lý chất thải công nghiệp.
Theo tính toán của một số chuyên gia, nếu một nửa các công trình xây dựng sử dụng gạch không nung sẽ cần khoảng 20 triệu tấn chất thải công nghiệp như: tro, xỉ… để sản xuất gạch không nung. Như vậy, sẽ tiết kiệm được 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha đất chứa phế thải. Tuy nhiên, việc sản xuất vật liệu xanh hiện vẫn còn gặp một số rào cản về chính sách nên chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Do đó, nếu chính sách được khơi thông, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư vào vật liệu xanh. Bên cạnh đó, cần có sự gắn kết giữa ngành Vật liệu xây dựng với các kiến trúc sư, ngành Xây dựng để đem đến những công trình xanh thân thiện với môi trường.
Nguồn: Báo cáo ngành xi măng Việt Nam, "Từng bước xanh hóa ngành Vật liệu xây dựng" ,đăng ngày 06/05/2024, xem tại link : https://ximang.vn/phat-trien-ben-vung/nang-suat-xanh/tung-buoc-xanh-hoa-nganh-vat-lieu-xay-dung-19294.htm, truy cập ngày 28/05/2024