Vấn đề môi trường trong Hiệp định thương mại tự do (FTA)

Thứ 3, 14/02/2017, 02:27 GMT+7
 

Đây là một trong những nội dung mới và quan trọng trong quá trình tham gia thực hiện FTA của Việt Nam, Công ty Môi Trường Á Châu trân trọng giới thiệu đến quý độc giả quan tâm, tìm hiểu về vấn đề này từ Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT .

Vấn đề môi trường trong các FTA “thế hệ mới” và những khó khăn, thách thức đối với Việt Nam

Trong thời gian gần đây, có một xu hướng mới trong đàm phán và ký kết các FTA song phương và đa phương, đó là việc đưa nội dung môi trường hay phát triển bền vững vào thành một chương trong các FTA. Xu hướng này đã được hiện thực hóa trong một số FTA đã được ký kết hoặc đang trong quá trình đàm phán.

Với quan điểm cho rằng các hoạt động kinh doanh thương mại và bảo vệ môi trường, duy trì phát triển bền vững có tính chất tương hỗ không thể tách rời và thúc đẩy lẫn nhau nên nhiều chính phủ, quốc gia ngay từ giai đoạn tham vấn, chuẩn bị cho đàm phán các FTA đã có ý tưởng và quan điểm đưa nội dung môi trường hay phát triển bền vững là một trong các nội dung đàm phán chính thức. Một số quốc gia trong quá trình tham vấn để đàm phán FTA đã coi nội dung môi trường là điều kiện tiên quyết, không thể thiếu trong đàm phán FTA. Do vậy, có thể nói rằng đàm phán nội dung liên quan đến môi trường trong các FTA đã và đang dần trở thành một xu hướng trên thế giới hiện nay và trong tương lai, theo đó đã xuất hiện một dạng FTA “thế hệ mới”, trong đó các nội dung không chỉ giới hạn ở thương mại và dịch vụ mà còn đề cập đến các lĩnh vực khác, trong đó có môi trường và phát triển bền vững.

Nội dung môi trường hay phát triển bền vững được đề cập trong các FTA được xây dựng dựa trên mối quan tâm, lợi ích cũng như điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của hai hay nhiều quốc gia tham gia đàm phán và ký kết. Trong một số FTA, mục tiêu của các nội dung môi trường hay phát triển bền vững nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể về thương mại có liên quan đến môi trường mà hai hay nhiều nước thành viên có chung lợi ích và mối quan tâm. Một số FTA khác, nội dung về môi trường và phát triển bền vững có yêu cầu và tiêu chuẩn cao hơn thể hiện qua mức độ cam kết cao hơn và các nghĩa vụ nặng nề hơn, thậm chí một số còn sử dụng công cụ kinh tế như áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp có trừng phạt hoặc bồi thường về thương mại nếu xảy ra tranh chấp về thương mại có liên quan đến môi trường.

Đối với Việt Nam, việc thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong các thỏa thuận quốc tế và pháp luật quy định trong nước về môi trường không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA), các nghĩa vụ này trở thành rào cản lớn đối với các ràng buộc và điều chỉnh về thương mại. Đây là vấn đề hoàn toàn mới. Cho đến nay, Việt Nam chưa có, thậm chí không có kinh nghiệm trong vấn đề này. Đặc biệt, là một quốc gia đang phát triển, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn lực dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế, việc thực thi một cách nghiêm túc các nghĩa vụ liên quan đến môi trường cam kết trong các FTA đặt ra những thách thức và khó khăn không nhỏ cho Việt Nam. Những khó khăn, thách thức này liên quan đến hệ thống chính sách, năng lực thực thi pháp luật, nhận thức và ý thức của người dân, nguồn lực và năng lực,…

 

Cần thiết lập các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết những vấn đề môi trường trong các FTA

Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước thời gian qua đã mang lại những thành tựu và lợi ích to lớn về kinh tế cho đất nước nhưng cũng đồng thời tạo ra các tác động tiêu cực và gây nên những hậu quả đáng báo động. Điển hình là một số sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vụ Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty giấy Lee&Man Việt Nam,…

Những sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây đã bộc lộ nhiều  bất cập trong việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở cấp trung ương và cấp địa phương, phân cấp vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương, cũng như giữa cơ quan quản lý với người dân và doanh nghiệp trong các hoạt động liên quan đến khắc phục, xử lý sự cố môi trường từ các hoạt động sản xuất, thương mại. Từ đó, một yêu cầu cấp bách được đặt ra, đó là thiết lập các cơ chế phối hợp rõ ràng và hiệu quả, có tính ràng buộc về pháp lý, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực thi hiệu quả cũng như ứng phó và giải quyết những vấn đề môi trường liên quan đến thương mại tương tự xảy ra trong tương lai khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực thực hiện.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết lập cơ chế phối hợp nhằm thực thi hiệu quả và giải quyết các vấn đề môi trường trong các FTA trong thời gian tới, Chính phủ đã có chỉ đạo, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng “Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết những vấn đề môi trường trong các FTA”. Nhiệm vụ xây dựng Đề án nêu trên cũng đã được đưa vào Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Đề án được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sẽ là căn cứ và cơ sở pháp lý quan trọng giúp các Bộ, ngành và địa phương nắm rõ vai trò, quyền hạn và trách nhiệm trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường trong các FTA. Trong Đề án này, vai trò và trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức và địa phương được cụ thể hóa trong các cơ chế phối hợp được đề xuất cho từng nội dung, từng lĩnh vực liên quan đến môi trường trong các FTA. Bên cạnh đó, Đề án cũng là căn cứ giúp cho các Bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động liên ngành hoặc của riêng ngành và địa phương mình nhằm thực thi hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ, hoặc giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh trong các FTA thời gian tới.

Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc