Việt Nam có năng lực tái chế nhựa cao!

Thứ 7, 01/07/2023, 04:33 GMT+7

Tính chung năng lực tái chế cả khu vực chính quy và phi chính thức, Việt Nam có thể tái chế khoảng 4,5 triệu tấn nhựa/năm

Theo nghiên cứu của WWF Việt Nam, tính đến tháng 6/2022, có 76 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất (chủ yếu là PE, PET, PS, PVC và PP). Tổng lượng phế liệu nhựa được cấp phép nhập khẩu của 76 doanh nghiệp được cấp phép đạt trên 3 triệu tấn/năm; cộng thêm với tối đa 20% lượng nhựa phế liệu nội địa sẽ nâng tổng công suất tái chế phế liệu của các cơ sở chính quy nhập khẩu phế liệu lên đến khoảng 3,5 triệu tấn. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất khác sử dụng phế liệu nhựa nội địa với năng lực khoảng 1 triệu tấn.

So sánh với lượng tiêu thụ trung bình mỗi năm khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP (theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới), năng lực tái chế của khu vực chính quy của Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp tái chế chính quy chỉ tập trung nhập khẩu nhựa và đón nhận một số dòng nhựa phế liệu nội địa sạch và dễ thu gom.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan và báo cáo nhập khẩu phế liệu của các tỉnh, thành phố cho thấy, khối lượng nhập khẩu phế liệu nhựa năm 2019 là 2.313.600 tấn; năm 2020 là 468.300 tấn và năm 2021 là 742.800 tấn (lượng phế liệu nhựa nhập khẩu giảm mạnh trong năm 2020 và có xu hướng tăng trở lại trong năm 2021 do các hạn chế gây ra bởi dịch bệnh COVID-19). Dòng nhựa nội địa thường là từ nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc nguồn phế liệu nhựa được thu gom tại hộ gia đình, được cung cấp qua các đại lý hoặc công ty phế liệu.

Tái chế nhựa

Hình ảnh minh họa

Riêng tại các làng nghề chuyên sử dụng phế liệu trong nước, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tổng công suất tái chế thuộc khu vực này được ước tính vào khoảng 2 - 2,2 triệu tấn. Nguồn phế liệu nhựa đến từ chất thải rắn sinh hoạt. Đây cũng là nguyên nhân khiến một lượng lớn sản phẩm bao bì nhựa hiện đang không được quản lý và tái chế đúng quy cách; không đáp ứng được yêu cầu với các sản phẩm có chất lượng cao. Ngay cả khi doanh nghiệp tái chế nhựa đã có dây chuyền phân loại, làm sạch phế liệu, có thể đón nhận dòng nhựa phế liệu trong nước thì thường lại không cạnh tranh được với các nhà sản xuất phi chính thức bởi giá thu mua phế liệu quá cao so với giá thành sản xuất.

Việc thu hồi và tái chế các sản phẩm, bao bì (bao gồm bao bì nhựa) theo cơ chế EPR được coi là một nội dung cần thiết và cấp bách nhằm quản lý hiệu quả dòng chất thải nhựa tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường

Xem Thêm: 

1. Doanh nghiệp hợp tác thu gom và tái chế nhựa

2. Mới lạ "Ngôi trường bằng nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam"!

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc