Việt Nam ủng hộ Thỏa thuận toàn cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa

Thứ 5, 03/08/2023, 10:28 GMT+7

Là quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm của PEMSEA, ở cấp độ khu vực, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc tham gia đàm phán xây dựng Thoả thuận toàn cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.

Đó là khẳng định của ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam tại Hội thảo Hợp tác khu vực hướng tới Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa ngày 26/7, tại Hà Nội.

Hội thảo do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức, với sự tham dự của đại diện 11 quốc gia thuộc Đối tác Quản lý Môi trường Biển Đông Á (PEMSEA) và các nước không phải thành viên khác. Đây được coi là một trong các hoạt động trọng tâm gắn với Hội nghị PEMSEA lần thứ 15 được tổ chức trong các ngày 26 - 27/7 tại Thủ đô Hà Nội.

Các quốc gia Đông Nam Á đã được xác định có lượng rò rỉ lớn chất thải nhựa từ đất liền ra biển. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm đạt được Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa - một hiệp ước ràng buộc pháp lý cho các quốc gia trên thế giới về ô nhiễm nhựa - đang diễn ra, hội thảo là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và bài học về thúc đẩy các sáng kiến giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại các quốc gia thành viên ASEAN.

Giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa

 Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo Phó Cục trưởng Trương Đức Trí, Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa được thông qua sẽ là minh chứng sống động, thể hiện tinh thần gắn kết và hợp tác giữa các quốc gia trong việc chung tay giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nói chung và ô nhiễm nhựa nói riêng. Để đạt được mục tiêu nói trên, các quốc gia có biển cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề cấp bách, bao gồm ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa đại dương nhằm hướng tới môi trường sống an toàn hơn cũng như góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học biển.

“Các quốc gia cần đồng hành triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á cũng như các chương trình, dự án khu vực về bảo vệ môi trường biển; cùng nhau đưa ra những ý tưởng, sáng kiến, hành động mang tính đổi mới, sáng tạo nhằm hướng tới một nền quản trị đại dương có trách nhiệm, cùng phát triển” – ông Trương Đức Trí khẳng định.

Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh vai trò nòng cốt của mối quan hệ hợp tác trong việc giải quyết vấn đề gia tăng ô nhiễm nhựa, bao gồm tất cả các bên liên quan - các cơ quan chính phủ, đoàn thể, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, đối tác phát triển và mỗi cá nhân. UNDP đã và đang tích cực nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa thông qua "Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa " (EPPIC).

Cuộc thi trên toàn ASEAN này do Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy tài trợ, mời các nhà đổi mới sáng tạo từ khắp khu vực chia sẻ những ý tưởng đột phá của họ để giải quyết ô nhiễm nhựa. Theo Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và Lào - bà Mette Moglestue: Dự án EPPIC đã tạo ra cơ hội để các quốc gia thành viên và không phải thành viên của PEMSEA cùng thảo luận và đóng góp vào quá trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Điều quan trọng là các bên tham gia phải cùng thống nhất về các biện pháp khác nhau cho toàn bộ vòng đời của nhựa, từ sản xuất, thiết kế tới quản lý chất thải. Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng, đó là Thỏa thuận phải đặt ra những nghĩa vụ có tình ràng buộc về pháp lý để góp phần giảm thiểu hiệu quả tình trạng ô nhiễm nhựa. Thỏa thuận này sẽ mở đường cho chuỗi giá trị nhựa bền vững hơn cũng như thúc đẩy các giải pháp trên phạm vi toàn cầu, khu vực và ở mỗi quốc gia.

Giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa

 Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, đại diện cơ quan quản lý môi trường từ Việt Nam, Lào, Philippines đã chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý chất thải nhựa, triển khai dự án EPPIC và sự chuẩn bị tham gia đàm phán đối với Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Đại diện UNDP cũng cung cấp thông tin cập nhật về kết quả thảo luận từ Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) và các tác động tiềm năng đến ASEAN; các hành động, công cụ, sáng kiến và tiến bộ liên quan đến các chính sách và biện pháp quan trọng đang được thảo luận trong INC, để thúc đẩy sự tiếp thu và nâng quy mô trong quá trình hoạch định chính sách quốc gia và địa phương.

Các đại biểu đã cùng thảo luận về 2 vấn đề chính: Tạo điều kiện cho các cơ chế chuyển đổi công bằng, công nhận những người lao động phi chính thức trong Thỏa thuận; Huy động tài chính cho các nước đang phát triển để hỗ trợ thực hiện hiệp ước, đặc biệt nhấn mạnh vào cách các nước phát triển có thể mở rộng hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển trong việc thực hiện Thỏa thuận này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nhất trí về tầm quan trọng của những nỗ lực chung trong việc chống ô nhiễm nhựa, đồng thời, thống nhất xây dựng một tài liệu chung về chiến lược hợp tác để giải quyết ô nhiễm nhựa và góp phần xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Sáng kiến này phản ánh tinh thần hợp tác khu vực và quyết tâm chung chống ô nhiễm nhựa, vì lợi ích của khu vực Biển Đông Á và hơn thế nữa.

Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc