Trước thực trạng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bỏ lại tại đồng ruộng, ven đường, dưới mương rãnh, ao hồ vẫn còn tương đối phổ biến, chưa được thu gom triệt để, xử lý đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hàng năm, Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên triển khai công tác thăm đồng và tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ và đúng cách). Đồng thời, hướng dẫn bà con nông dân việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng cách, đúng quy định và hiệu quả.
Theo đại diện cơ quan chuyên môn Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, sau khi pha chế, phun rải thuốc bảo vệ thực vật, bà con nông dân cần phải thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để vào “Bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” theo quy định. Tuyệt đối không để chung bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng. Không tự ý đốt hoặc đem chôn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng mà phải được thu gom về các bể chứa, bể phải được làm bằng vật liệu bền chắc, có khả năng chống ăn mòn, không bị rò rỉ, không phản ứng hóa học với chất thải chứa bên trong; nắp bể chắc chắn, không bị gió, mưa làm xê dịch và rộng hơn thành bể tối thiểu 05 cm để tránh nước mưa chảy vào; bên thành đứng của bể chứa có ô cửa nhỏ gần nắp đậy có thể đóng mở dễ dàng; bên ngoài bể chứa có ghi dòng chữ “Bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về chất thải nguy hại - dấu hiệu cảnh báo. Đối với người thu gom cần được trang bị bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ, ủng cao su và các phương tiện, vật tư cần thiết khác phục vụ việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Riêng với các cấp chính quyền địa phương, cần có trách nhiệm quy định địa điểm đặt bể chứa, triển khai xây dựng bể chứa bảo đảm yêu cầu theo quy định; thực hiện thu gom bao gói thuộc bảo vệ thực vật sau sử dụng hiệu quả. Cùng với đó, quản lý hoạt động chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp về quản lý chất thải nguy hại để vận chuyển và xử lý theo đúng quy định. Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thu gom bao gói vào bể chứa đúng cách, đạt hiệu quả.
Đặc biệt, để hạn chế, kiểm soát tốt lượng rác thải độc hại từ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn an toàn đồng ruộng, trong đó, cần thay đổi thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo đảm cho môi trường sinh thái luôn phát triển bền vững./.
Nguồn: Cổng Thông Tin - Giao Tiếp Điện Tử Tỉnh Vĩnh Phúc