Xanh hóa trong sản xuất và tiêu dùng

Thứ 3, 01/10/2024, 04:56 GMT+7

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường của người dân ngày càng tăng cao, đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất không ngừng nỗ lực cải tiến sản phẩm theo hướng xanh hóa bắt kịp với xu hướng của thị trường.

Xu hướng tiêu dùng xanh

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa… 

Chị Lê Thị Minh (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) cho hay, mỗi lần đi mua thực phẩm chế biến sẵn, chị thường mang theo hộp thủy tinh để đựng. Chị từ chối việc đựng đồ vào hộp nhựa hay túi nilon vì theo chị việc này vừa lãng phí vừa gây hại cho môi trường mà lại không tốt cho sức khỏe.
"Những ngày bận không đi chợ mua thực phẩm, đồ uống được, tôi cũng thường đặt đồ uống online, ngoài những món đồ uống mình thích thì tôi thường xem cửa hàng nào sử dụng cốc, ống hút bằng giấy hoặc tre, nứa, nhìn chung là dụng cụ thân thiện với môi trường hoặc tái sử dụng được thì tôi mới đặt. Đó đã trở thành thói quen tiêu dùng của tôi" - chị Minh chia sẻ.

Anh Lê Văn Thắng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây, tôi hay đi uống cafe, trước ở các quán họ dùng ống hút nhựa nhưng giờ tôi thường thấy nhiều nơi dùng ống hút bằng giấy được làm bằng vật liệu hữu cơ nhiều hơn. Tôi rất ủng hộ việc thay đổi này bởi nó sẽ góp phần bảo vệ môi trường và an toàn cho sức khỏe hơn là ống hút nhựa dùng một lần kém chất lượng."

Có thể nói, các sản phẩm thân thiện với môi trường đang nhận được sự chào đón tích cực từ người tiêu dùng và dự kiến "tiêu dùng xanh" sẽ tiếp tục trở thành xu hướng dẫn đầu trong nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người dân. Do đó, các doanh nghiệp phải nhanh tay đưa ra các giải pháp và cải tiến công nghệ để thích ứng với mong muốn của người tiêu dùng.

Nhiều người dân đã và đang rất quan tâm đến vấn đề tiêu dùng xanh

Sản xuất xanh đáp ứng nhu cầu khách hàng

Nghiên cứu mới nhất của NielsenIQ chỉ ra rằng, có tới 38% người tiêu dùng cho rằng việc doanh nghiệp mang đến các sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa, giảm tác động lên môi trường là rất quan trọng, trong khi chỉ có 3% không quan tâm đến vấn đề này. 46% số người tiêu dùng cũng đang tìm đến và lựa chọn các thương hiệu đi đầu trong việc tạo ra thay đổi bền vững. 

Đáng lưu ý, khảo sát xu hướng tiêu dùng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% người tiêu dùng có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường,…

Đứng trước xu hướng này, các nhà sản xuất và phân phối sản phẩm ở Việt Nam đã có những điều chỉnh rõ rệt để đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đang triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh, đặc biệt là các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa và hạn chế sử dụng túi nilon.

Các siêu thị lớn như Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh và siêu thị GO đã thực hiện nhiều biện pháp như sử dụng lá chuối thay thế túi nilon, khuyến khích sử dụng túi tái sử dụng, và cung cấp các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường. Lotte Mart Việt Nam đã lên kế hoạch và thực hiện chương trình tặng túi môi trường tái sử dụng cho khách hàng, trong khi MM Mega Market cung cấp các túi sử dụng nhiều lần với giá phải chăng và thùng carton, băng keo để khách hàng sử dụng thay vì túi nilon một lần. 

Siêu thị GO khuyến khích người tiêu dùng chủ động giảm sử dụng túi nilon khi đi mua sắm

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam liên tục tìm hiểu, nghiên cứu và cải tiến bao bì sản phẩm, các sản phẩm mì ly đã và đang dần dần chuyển từ ly nhựa sang ly giấy hoặc ly quấn giấy, toàn bộ nĩa trong sản phẩm cũng đã chuyển từ nĩa nhựa PP thành nĩa nhựa sinh học, thân thiện hơn với môi trường mà giá thành sản phẩm không đổi.

Trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh (thương hiệu Bidrico) chia sẻ, doanh nghiệp đã chú trọng tiêu chí an toàn trong tất cả chuỗi cung ứng. Theo đó, từ nguyên liệu nông sản, rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, Organic, GlobalGAP... đến quá trình vận hành, sản xuất đều giảm chất thải; tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh; sử dụng năng lượng xanh. Ở khâu cuối cùng, sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng phải bảo đảm giảm thiểu phát sinh chất thải ra môi trường.

Đặc biệt, Cocoon xuất hiện trên thị trường với định vị là một thương hiệu mỹ phẩm Việt thuần chay. Từ đó, các hoạt động marketing của thương hiệu luôn thể hiện tình yêu thiên nhiên, cũng như thực hiện sứ mệnh bảo vệ môi trường. Một trong những hoạt động nổi bật của Cocoon là “Thu hồi pin cũ - Bảo vệ Trái Đất xanh”. Cứ 10 viên pin cũ được thu hồi, người dùng sẽ nhận được một sản phẩm son dưỡng dầu dừa của Cocoon. 

Ngoài ra, thương hiệu cũng nỗ lực giảm thiểu nhựa ra môi trường khi liên tục triển khai chương trình “Đổi vỏ chai cũ - Nhận sản phẩm mới”. Người dùng có thể đóng gói các vỏ chai/hũ rỗng còn nguyên vẹn, được vệ sinh sạch sẽ và gửi đến văn phòng của Cocoon để nhận về các sản phẩm mới.

Có thể thấy, để tăng sức cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm bảo đảm xanh và sạch và xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.

Nguồn: Sản Xuất và Tiêu Dùng Bền Vững "Xanh hóa trong sản xuất bền vững", đăng ngày 16/08/2024, xem tại link "https://scp.gov.vn/tin-tuc/t13831/xanh-hoa-trong-san-xuat-va-tieu-dung.html", truy cập ngày 01/10/2024

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc