Xây dựng chỉ số kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam!

Thứ 6, 30/08/2024, 01:58 GMT+7

Nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh phát triển bền vững, TS. Lại Văn Mạnh - Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ TN&MT đã chỉ ra các yêu cầu cần thiết trong việc thiết lập các chỉ số kinh tế tuần hoàn theo quy định của Việt Nam.

Quy định tại Khoản 1 Điều 138 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về Tiêu chí chung trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam, đã nêu rõ đến việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, trong đó bao gồm: Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu, tiết kiệm năng lượng; Kéo dài vòng đời sản phẩm và Hạn chế phát sinh chất thải: Giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm, giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải, giảm sử dụng hóa chất độc hại, tái chế chất thải, thu hồi năng lượng, giảm sản phẩm sử dụng một lần, mua sắm xanh,…

Trong đó, với việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, phát triển KTTH yêu cầu một số chỉ tiêu về: Tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tính trên đơn vị GDP (KgOE/GDP) giảm dần theo các năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt 15-20%,…

Đối với việc kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế phát sinh và tác động xấu đến môi trường, yêu cầu chỉ tiêu trong khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân 1kg/người/ngày, giảm dần theo các năm; Tỷ lệ rác thải hữu cơ ở được tái chế, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn đến năm 2030 đạt 100% ở đô thị, 70% ở nông thôn; tỷ lệ rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 đạt trên 70%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm 10% - 15% so với năm 2020.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo trong KTTH, yêu cầu số lượng việc làm mới được tạo ra từ thực hiện KTTH tăng dần theo các năm; số lượng các mô hình sản xuất, kinh doanh áp dụng các giải pháp KTTH tăng dần theo các năm; số lượng các công nghệ, thiết bị, sản phẩm được chuyển giao ứng dụng, cấp bằng sáng chế về tài chế, tái sử dụng tăng dần theo các năm; số lượng tổ chức tham gia vào tư vấn, đánh giá thực hiện KTTH tăng dần theo các năm.

Từ những tiêu chí trên có thể thấy, việc thực hiện các chỉ số và tiêu chí KTTH sẽ giúp hỗ trợ chính sách, định hướng đầu tư cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý kinh tế trong việc đưa ra các quyết định kinh doanh, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế bền vững; thông tin về các thực tiễn tốt nhất, công nghệ mới, quy trình hiệu quả và chính sách hỗ trợ cũng được chia sẻ rộng rãi, giúp cộng đồng, doanh nghiệp có thể hiểu rõ nguyên nhân và tác động của các xu hướng kinh tế,…

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc để có thể triển khai liên quan đến việc thiếu hệ thống pháp lý trong các quy định, hướng dẫn cụ thể cho các ngành nghề, cũng như thiếu sự phối hợp và đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước,…

Bên cạnh đó, việc quản lý dữ liệu và đo lường thu thập dữ liệu để đánh giá các chỉ số KTTH vẫn còn thiếu công cụ và phương pháp chuẩn hoá thực hiện, năng lực cũng như kỹ năng phân tích dữ liệu vẫn còn nhiều hạn chế. Hơn hết, mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng, song, việc thiết lập các chỉ số KTTH tại Việt Nam vẫn chưa có những chính sách điều chỉnh phù hợp, điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn đến từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Xây dựng chỉ số kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam!

Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu trong phát triển nền kinh tế chung tại Việt Nam

Để thiết lập các chỉ số KTTH theo quy định tại Việt Nam, TS. Lại Văn Mạnh cho rằng, cần xét đến nhiều phương diện và yếu tố. Trong đó, cần xét đến các cấp độ của KTTH và nhu cầu đo lường đánh giá của các cấp, bắt nguồn từ Cấp sản phẩm: Xem xét đến mức độ tuần hoàn của từng sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm; Cấp vi mô: Xem xét ở cấp độ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; Cấp trung gian: Xem xét KTTH dưới góc độ cộng sinh công nghiệp và Cấp mô xem xét KTTH ở cấp quốc gia, đô thị, vùng, địa phương.

Tiếp đến, cần xét đến các ngành nghề, lĩnh vực sẵn sàng và có tiềm năng phát triển nền KTTH như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ và thuỷ sản; Năng lượng; Khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; Công nghiệp, chế biến, chế tạo; Hoá chất; Xây dựng và giao thông vận tải; Quản lý chất thải; Lĩnh vực trung gian, cộng sinh,…

Theo đó, để thiết lập các chỉ số và phát triển KTTH một cách bền vững, ông cũng đề xuất các khuyến nghị như: Hoàn thiện khung pháp lý và công cụ hỗ trợ, thông qua việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến KTTH, đặc biệt, cần xây dựng bộ công cụ hỗ trợ dùng chung đảm bảo tính thống nhất, dễ dàng áp dụng liên quan đến phát triển các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các hoạt động KTTH.

Đồng thời, cần tăng cường nhận thức và đào tạo trong việc tổ chức các khoá đào tạo cho doanh nghiệp, nhà quản lý và cộng đồng về lợi ích và cách thức triển khai KTTH; đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về KTTH và các chỉ số liên quan. Ngoài ra, cần lồng ghép KTTH vào Chiến lược phát triển Quốc gia và ngành, đảm bảo tính bền vững và dài hạn. 

Nguồn: Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Bắc Ninh " Xây dựng chỉ số kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam",đăng ngày 29/08/2024, xem tại link "https://www.monre.gov.vn/Pages/xay-dung-chi-so-kinh-te-tuan-hoan-tai-viet-nam.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng", truy cập ngày 30/08/2024

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc