Xây dựng Nông thôn mới gắn với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ 5, 23/11/2023, 02:22 GMT+7

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới là một chương trình hết sức ý nghĩa và nhân văn, ngoài các kết quả đạt được về kinh tế, xã hội, văn hóa thì kết quả của nội dung bảo vệ môi trường cũng đạt được những giá trị rất lớn cho người dân và cộng đồng nơi thực hiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 với những kết quả đạt ngoài mong đợi nên được Đảng và Nhà nước quyết định tiếp tục thực hiện tiếp giai đoạn 2 (2021-2025) với quản điểm “Nông thôn mới có điểm bắt đầu và không có điểm kết thúc”. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới lúc đầu cho thấy đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, có hệ thống. thoát nước cơ bản góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Trong thời gian qua, công tác xây dựng nông thôn mới tại Nghệ An gắn liền và đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng chương trình luôn nhận được sự quan tâm từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo các chương trình MTQG. Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn làm tiền đề, định hướng quan trọng để các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong đó có Quyết định số 3319/QĐ-UBND ngày 26/102022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021 -2025.

Để cụ thể hóa các quy định của Tiêu chí môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có: Công văn số 4844/STNMT-BVMT ngày 15/8/2022 về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh, UBND các xã trên địa bàn tỉnh; Công văn số 4019/STNMT-BVMT ngày 16/6/2023 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh về việc hướng dẫn thực hiện các tiêu chí về đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh. Ngày 19/9/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành tổ chức tập huấn các quy định liên quan về bảo vệ môi trướng, các hướng dẫn về thẩm định các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn cho UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường: lãnh đạo, cán bộ phụ trách, tham gia xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực do Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách hướng dẫn.

Kết quả thực hiện đến nay: có 309 xã/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%); 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 14,23% xã NTM); có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Có 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới đó là TP Vinh, Thị xã Thái Hoà, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu. Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 16,95 tiêu chí/xã. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường cơ bản đạt yêu cầu. Người dân có ý thức hơn trong công tác thu gom, phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt, thói quen bảo vệ môi trường trong cuộc sống ngày một được nâng cao.

Tại 21/21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt về bảo vệ môi trường; hầu hết các thôn bản, khối, xóm thực hiện ký quy ước và hương ước môi trường đã phát huy giá trị tích cực trong việc hành thành thói quen giữ gìn môi trường, xóa bỏ các hũ tục về môi trường.

Phát huy vai trò của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, các địa phương trong tỉnh đã triển khai xây dựng các mô hình khu dân cư, làng nghề tự quản bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao nhận thức, thói quen của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Đến nay, trên toàn tỉnh có trên 5000 thôn, bản, khối, xóm tại 428/480 xã thành lập Đội tự quản thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt đặt được, vấn đề bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới còn một số vấn đề bất cập cần tập trung giải quyết, xử lý như: vẫn còn một số cơ sở công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, đặc biệt là các các bệnh viện, bãi rác. Tỷ lệ các CCN có hạ tầng BVMT còn thấp. Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu; phần lớn các làng nghề gây ô nhiễm môi trường chưa có phương án xử lý. Lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng mạnh; hầu hết rác thải chưa được phân loại tại nguồn, năng lực thu gom còn nhiều hạn chế, tỉ lệ tái sử dụng và tái chế rác thải sinh hoạt được xử lý thấp; Lượng rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy sử dụng một lần vẫn còn gia tăng.

Để cơ bản giải quyết các nội dung còn bất cập nêu trên thì giải pháp trong thời gian tới cần giải quyết một số vấn đề: Tập trung kinh phí, nguồn  lực nhà nước về bảo vệ môi trường trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật môi trường trong xử lý nước thải đô thị, làng nghề, cụm công nghiệp; kêu gọi vận động công tác xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nằm trong loại hình có nguy cơ ô nhiễm đến môi trường; Đa dạng hóa các hình thức truyền thông về môi trường; tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp; Xây dựng vườn chuẩn NTM.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trách nhiệm phân loại, xử lý rác tại nguồn cho từng hộ gia đình. Tập trung xử lý vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi; Khắc phục và có biện pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm ở các làng nghề, chất thải ở các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp ảnh hưởng đến môi trường áp dụng công nghệ xử lý tiến bộ và các hình thức tổ chức phù hợp với điều kiện từng địa phương để xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, chất thải. Làm đẹp cảnh quan các công trình công cộng; xác định rõ vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương và mọi người dân trong việc thực hiện vệ sinh môi trường.

Tăng cường đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường, hỗ trợ một số mô hình xử lý rác thải sinh hoạt ở các địa phương đang bức xúc trong vấn đề rác thải sinh hoạt; sớm hoàn thiện các khu quy hoạch xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cho các vùng. Có kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung cho các khu vực đông dân cư, khu vực nhạy cảm về môi trường. Phát động mạnh mẽ, hiệu quả việc xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp ở tất cả các xã trong tỉnh; Đẩy mạnh tuyên truyền vận động, quán triệt nhận thức đối với đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) và người dân, cộng đồng về mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn chuẩn trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng nông thôn mới thân thiện, gắn với bảo vệ môi trường là giá trị và ý nghĩa thực tiễn rất lớn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững ở khu vực nông thôn. Sự vào cuộc đồng bộ, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội có thể đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nói riêng và mục tiêu của nông thôn mới nói chung góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh Nghệ An

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc