Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa chính thức khởi động Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế". Triển khai từ 2021 – 2024, Dự án thực hiện tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Mục tiêu của dự án nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp và do thức ăn thừa; biến rác hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý; cải thiện sức khỏe đất và tăng cường sức khỏe vật nuôi; nâng cao sức khỏe cộng đồng; bảo vệ môi trường.
Dự án đặt ra mục tiêu đào tạo cho ít nhất 450 cán bộ hội, cán bộ khuyến nông và nông dân về các kỹ thuật thu gom, phân loại và xử lý rác thải trở thành giảng viên, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình. Những mô hình nông dân thành công sẽ là điểm sáng trong nhân rộng ứng dụng các biện pháp chuyển đổi chất thải, góp phần giảm thiểu phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.
Ảnh: Phụ phẩm nông nghiệp
Đối tượng tham gia dự án là những người nông dân sản xuất nhỏ; các trang trại chăn nuôi; người thu gom rác thải; các căng-tin, nhà hàng. Trong khuôn khổ thực hiện dự án, Ban quản lý dự án sẽ tập trung thực hiện 11 hoạt động trọng tâm để hỗ trợ nông dân xử lý rác thải.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%). Những chất thải, phụ phẩm này có rất nhiều công dụng trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn nhưng hiện nay phần lớn đang để lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường. Do đó, dự án được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy việc xử lý các chất thải, phụ phẩm trong nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT