Tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế bắt buộc - Theo quy định của luật Bảo vệ môi trường Việt Nam về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì đưa ra thị trường Việt Nam có trách nhiệm thực hiện tái chế theo tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế bắt buộc. Vậy, tỷ lệ tái chế là gì? Quy cách tái chế bắt buộc là gì? Quy định hiện hành như thế nào?
Bài viết thuộc chuỗi bài chia sẻ quy định pháp luật hiện hành trong thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu – EPR cũng như giải pháp tổ chức thực hiện EPR phù hợp quy định tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với từng sản phẩm, bao bì được áp dụng từ ngày 1/1/2024. Theo đó, tỉ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên trong ngành ngành bao bì được chia ra nhiều loại như bao bì giấy carton là 20%, bao bì giấy hỗn hợp 15%, bao bì nhôm 22%, bao bì sắt và các kim loại khác 20%,…) quy định tại Cột 4 Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Ví dụ: Doanh nghiệp A trong năm 2024 sản xuất, đưa ra thị trường lượng bao bì thương phẩm là 100 tấn bao bì PET cứng. Theo quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc với bao bì PET cứng là 22% tức là trong năm 2024 doanh nghiệp A có trách nhiệm tái chế tối thiểu là 22 tấn bao bì PET cứng (= 100 tấn x 22%).
Quy cách tái chế bắt buộc là gì?
Quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn kèm theo yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu, nhiên liệu được thu hồi đối với tái chế sản phẩm, bao bì. Theo đó, để đáp ứng quy cách tái chế bắt buộc phải bảo đảm 02 yêu cầu:
(1) đáp ứng một trong các giải pháp tái chế được phép;
(2) đáp ứng tỷ lệ thu hồi nguyên liệu, vật liệu tối thiểu (40%). Quy cách tái chế bắt buộc đối với từng sản phẩm, bao bì được quy định tại Cột 5 Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Ví dụ: Doanh nghiệp A trong năm 2024 sản xuất, đưa ra thị trường 100 tấn bao bì thương phẩm là bao bì PET cứng và có trách nhiệm tái chế 22 tấn bao bì PET cứng (do tỷ lệ tái chế bắt buộc với bao bì PET cứng là 22%). Để đáp ứng quy cách tái chế bắt buộc, doanh nghiệp A phải:
i) Thực hiện các giải pháp tái chế quy định, bao gồm tái chế ra hạt nhựa tái sinh làm nguyên liệu sản xuất, hoặc sản phẩm khác (gồm cả xơ sợi PE) hoặc hóa chất (trong đó có dầu);
ii) Tái chế và thu hồi tối thiểu 40% khối lượng vật liệu từ 22 tấn bao bì PET cứng được tái chế, tức là phải thu hồi được tối thiểu 8,8 tấn nhựa hoặc hoá chất (= 22 tấn x 40%).
(Nguồn: Theo Cổng thông tin điện tử EPR Quốc gia, “Tổng hợp trả lời câu hỏi thường gặp về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu”, xem tại link: https://epr.monre.gov.vn/vi/bai-viet/qa-ve-trach-nhiem-tai-che-xu-ly-chat-thai-cua-nha-san-xuat-nhap-khau/, truy cập ngày 28/06/2024)
Văn bản pháp lý
Trên đây là một số nội dung được Môi Trường Á Châu tổng hợp, nội dung mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế các văn bản pháp luật hiện hành. Trường hợp Quý Khách hàng cần tư vấn chuyên sâu cho trường hợp cụ thể, vui lòng liên hệ các kênh chính thức của Chúng tôi qua hotline 1900 545450 – 033 835 1122 hoặc để lại yêu cầu tại www.moitruongachau.com.
Nguồn: Môi Trường Á Châu